Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (TCBMHCNN) là một chủ trương lớn, quan trọng, được đề cập trong nhiều văn kiện của Ðảng, nhất là Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đây cũng là một trong những nội dung được thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu, khóa XII khai mạc sáng 4/10, tại Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Theo tính toán, một huyện tinh gọn được trên 50 biên chế sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng cho ngân sách mỗi năm. Chưa kể khối các Bộ, ngành Trung ương, riêng những mô hình phù hợp được áp dụng ở 63 tỉnh thành, với khoảng 700 đơn vị cấp huyện và hơn 11.000 đơn vị cấp xã thì con số sẽ lớn hơn rất nhiều lần.
Theo tính toán sơ bộ, đến năm 2021, nếu giảm được 10% biên chế thì ngân sách tiết kiệm được 70.000 tỷ đồng. Đó mới là con số nhìn thấy, đằng sau đó là những hiệu quả to lớn về việc các đầu mối được tinh gọn, không bị chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý và uy tín bộ máy hành chính Nhà nước.
Những chuyển biến ban đầu
Ở địa phương, việc tinh giản bộ máy ghi nhận những kết quả ban đầu. Nhờ quyết tâm tinh giản, sáp nhập các chức danh tương tự ở cấp cơ sở, năm 2016, tỉnh Hà Giang đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 24 tỷ đồng.
Bên cạnh xây dựng đề án nhất thể hóa một số chức danh có nhiệm vụ tương đồng, tỉnh Hà Giang cũng đã có đề án sáp nhập các cơ quan có nhiệm vụ gần giống nhau ở cấp tỉnh, huyện. Hầu hết các sở, ban, ngành đều thu gọn đầu mối từ 1 đến 3 phòng. Việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy giúp các cơ quan, đơn vị gọn về tổ chức, rõ người, rõ việc, không còn chồng chéo. Đây cũng là điều kiện để các đơn vị thuận lợi trong việc triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh xuống cơ sở được kịp thời và hiệu quả.
Về phía các bộ, ngành, để tinh giản bộ máy, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công thương giảm từ 35 đơn vị, đầu mối trực thuộc xuống còn 30.
Cùng với Bộ Công thương, Bộ Nội vụ cũng đã sắp xếp lại theo hướng thu gọn đầu mối. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: " Nghị định 34 của Chính phủ quy định Bộ Nội vụ chỉ giảm 1 trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ công chức nhưng khi sắp xếp đơn vị, Bộ Nội vụ giải thể thêm 3 trường nữa và giải thể 2 đơn vị là văn phòng trực thuộc ở Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Đến giờ này chúng tôi không còn Phòng trong Vụ nữa. Việc sắp xếp cơ cấu bên trong tránh chức năng chồng lấn các vụ và các trường với nhau"
Cách làm của Bộ Nội vụ và Bộ Công thương cho thấy việc tổ chức sắp xếp bên trong đơn vị là vấn đề quan trọng trong thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối.
Quyết liệt hơn trong thời gian tới
Thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức đến nay vẫn chưa tạo ra chuyển biến về chất, chủ yếu mới chỉ về lượng với kết quả hết sức khiêm tốn. 2 năm qua việc quản lý Bộ, ngành chủ yếu vẫn theo đầu mối.
Tính đến tháng 6 năm 2017, cả nước có 42 tổng cục, tăng so với trước. Số lượng các Cục, vụ, các phòng không giảm. Đặc biệt, tổng số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước đến nay đã đạt con số gần 4 triệu người, tăng hơn 96.000 người so với 2 năm trước. Bộ máy lớn, tiêu tốn tới 65% ngân sách.
Theo Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, chuyên gia Bộ Nội vụ, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao vì chưa được thực hiện trên nền tảng khoa học. Các điều kiện đảm bảo cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, nhất là chất lượng đội ngũ công chức còn hạn chế. Do vậy, vấn đề quan trọng thời gian tới là quản lý và kiểm soát được cơ cấu bên trong các đơn vị bằng pháp luật.
Ông Đinh Duy Hòa cho rằng: " Quốc hội nên giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng một Nghị định về Phòng, Vụ, Cục, Tổng cục. Những đơn vị tổ chức hành chính này được quy định thống nhất theo hướng thống nhất, có tiêu chí cụ thể. Các quy định như vậy đưa vào trong văn bản và văn bản này báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành, thống nhất trong bộ máy hành chính".
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng CSVN đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có 2 nhiệm vụ lớn, một là tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hai là xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ quá trình tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.