Công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2021 đã đạt nhiều thành tích nổi bật, có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp trực tiếp và hiệu quả vào nỗ lực chung của đất nước về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Phát huy những thành tựu đạt được, ngoại giao kinh tế năm 2022 tiếp tục chủ động thích ứng, hiệu quả, sáng tạo.
Năm 2021 là năm hết sức khó khăn, với những thử thách chưa có tiền lệ đối với kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam đã chứng minh được bản lĩnh của mình. Kết quả này một phần có được nhờ những đóng góp thiết thực của công tác ngoại giao kinh tế về tạo môi trường quốc tế thuận lợi và khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Triển khai mạnh mẽ
Công tác tham mưu cho Chính phủ, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng được triển khai mạnh mẽ. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh, hợp tác kinh tế với các đối tác vẫn được duy trì và mở rộng, nhất là gia tăng xuất khẩu. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của đất nước đạt vượt mức kỷ lục, cán mốc 600 tỷ USD. Chúng ta đã chủ động tích cực đẩy mạnh công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, tranh thủ được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế cho công tác phòng chống dịch COVID-19".
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: Tuấn Anh |
Đáng chú ý, công tác ngoại giao vaccine, hỗ trợ Chính phủ và các bộ, ngành địa phương trong đẩy lùi dịch bệnh đã được triển khai hết sức quyết liệt và sáng tạo. Chỉ trong bốn tháng, từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất khu vực, Việt Nam đã lọt vào trong nhóm 6 nước hàng đầu thế giới về bao phủ vaccine, được bạn bè và doanh nghiệp quốc tế đánh giá cao.
Công tác tham mưu cho Chính phủ, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng được triển khai mạnh mẽ, thông qua các hoạt động đối thoại của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ưu tiên hàng đầu của ngoại giao kinh tế 2022 là phục hồi và phát triển
Năm 2022, trong bối cảnh các nước đã bắt đầu mở cửa, phục hồi nền kinh tế, xu hướng giao lưu, du lịch được đẩy mạnh, các xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho địa phương, doanh nghiệp. Ưu tiên hàng đầu của ngoại giao kinh tế năm 2022 là phục vụ mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, công tác ngoại giao kinh tế triển khai mạnh với phương “Quyết liệt, đổi mới, chủ động thích ứng, hiệu quả, sáng tạo” trong thực hiện 3 nhiệm vụ chính. Đó là, đóng góp mạnh mẽ vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, kịp thời nắm bắt những xu hướng mới, thúc đẩy tăng trưởng xanh, sạch, chuyển đổi số; Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài, tận dụng những cơ hội mà các xu thế mới mang lại.
Thế giới đang trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, một bước chuyển mình được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Để nắm bắt các cơ hội, ngoài sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao, sự phối hợp chặt chẽ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc - Ảnh: VOV |
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho rằng cần tận dụng các nguồn lực tri thức kiều bào để đầu tư về nước: "Chúng ta phải tập trung vào những lĩnh vực của thời đại, như công nghệ cao, đổi mới. Các địa phương nếu đầu tư vào những cái mới đó sẽ phát huy được sở trường của các trí thức kiều bào, tạo ra môi trường thực sự hấp dẫn để họ về đây. Về phía các địa phương, cần làm 3 việc: tạo ra môi trường, cơ sở hạ tầng và chế độ chính sách, để khuyến khích và trọng dụng nhân tài. Chúng tôi rất mong mỏi sắp tới khi tình hình được kiểm soát, thành phố sẽ tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư".
Có thể nói, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai mạnh mẽ và đều khắp, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển đất nước. Tuy còn nhiều việc cần làm, nhưng ngành ngoại giao đã tạo nền tảng vững chắc để đưa hoạt động ngoại giao kinh tế bước sang một giai đoạn mới. Với chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng“Nâng cao hiệu quả đối ngoại kinh tế, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả”, ngoại giao kinh tế chắc chắn sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn và thiết thực hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước.