Ngày mai 21/11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật phòng, chống tham nhũng. Đây là dự án luật thay thế cho Luật Phòng, chống tham nhũng đang được thực thi hơn 10 năm qua tại Việt Nam. Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng. Những động thái này một lần nữa cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VOV)
|
Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 đã từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch. Việc xử lý người có hành vi tham nhũng và tài sản tham nhũng cũng được chú trọng và nâng cao hiệu quả.
Đáng chú ý, từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, đã có không ít quan chức nhà nước, quan chức các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)... bị kỷ luật, trong số đó có cả cán bộ nắm giữ những vị trí quan trọng. Những kết quả ấy là minh chứng cụ thể cho quan điểm không có “vùng cấm” trong xử lý các vụ tham nhũng, được khẳng định rõ trong các nghị quyết của Đảng.
Điều này một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội cuối tuần qua: "Chúng tôi cũng nói rằng không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng. Chính vì vậy, hệ thống hành pháp phối hợp chặt chẽ với hệ thống tư pháp để phối hợp với các cấp, các ngành để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã phát hiện một cách đúng pháp luật, kịp thời hơn để nhân dân yên tâm hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải công khai kết quả trước Quốc hội trước khi kết quả xử lý nhất là vụ án đã được xử".
Tuy Việt Nam đạt được những thành quả không thể phủ nhận trong phòng, chống tham nhũng, song cũng như nhiều nơi trên thế giới, tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là những bất cập của Luật phòng chống tham nhũng, trong đó, quy định về công khai, minh bạch còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện. Các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước và giám sát chưa phù hợp, chưa phát huy được vai trò, chức năng của mỗi cơ quan.
Xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng
Nhiệm vụ trọng tâm của dự án Luật phòng, chống tham nhũng là xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng”. Đồng thời, dự án luật cũng tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng”.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Tờ trình Dự án sửa đổi bổ sung Luật phòng chống tham nhũng (Ảnh: Pháp luật VN)
|
Đề cập vấn đề này, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: "Trong 129 điều của dự án Luật phòng, chống tham nhũng thì giữ nguyên 7 điều của luật năm 2005, sửa 73 điều và thêm 49 điều mới. Trong dự án luật, có những công cụ mới và đặc biệt phạm vi đối tượng mở rộng. Trong phòng chống tham nhũng thì phòng là chính. Do đó, chúng ta thiết kế làm sao người muốn tham nhũng không thể tham nhũng. Chúng tôi rất quan tâm đến biện pháp phòng ngừa với nhiều công cụ như thiết kết một quy chế làm việc chặt chẽ, công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác"...
Để tạo sự đồng bộ trong phòng, chống tham nhũng, dự án luật được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 cũng được sửa đổi theo hướng phù hợp với nhiều đạo luật quan trọng có liên quan đến phòng, chống tham nhũng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự...
Bên cạnh đó dự án Luật được xây dựng theo khuyến nghị của đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, tập trung vào những giải pháp đổi mới toàn diện về công tác phòng, chống tham nhũng như việc nhận diện và kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện các biện pháp và cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả…
Việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng là yêu cầu thực tế, có tác động quan trọng đến sự ổn định, phát triển của đất nước. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, hướng tới xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng hơn.