Tiếng nói Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

Hồng Vân - Bình
Chia sẻ
(VOV5) - Đài Tiếng nói Việt Nam đã khẳng định vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, là nhịp cầu hữu nghị thân thiện, tin cậy nối Việt Nam với bạn bè thế giới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:

Ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) chính thức ra đời với buổi phát thanh đầu tiên bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Từ đây, tiếng nói chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, của một nước Việt Nam độc lập, khát vọng hòa bình, tự do được truyền tới đồng bào trong nước và bạn bè, nhân dân thế giới. Từ đó đến nay, Tiếng nói Việt Nam không ngừng đổi mới và phát triển, đồng hành cùng đất nước qua nhiều chặng đường lịch sử gian nan, thử thách nhưng cũng rất đỗi hào hùng.
Tiếng nói Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước - ảnh 1Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ. Ảnh: MediaVOV5

Từ nửa cuối tháng 8 năm 1945, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng sau khi giành được chính quyền, lập xong Chính phủ mới, một trong những công việc quan trọng đầu tiên là phải lập cho được đài phát thanh quốc gia. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam thông tin, tuyên truyền những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

Đổi mới và phát triển

Suốt chiều dài lịch sử 77 năm, Tiếng nói Việt Nam đã luôn đồng hành cùng dân tộc. Qua làn sóng phát thanh, Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chống xâm lược Pháp ngày 20/12/1946 đã được phát đi.

Tiếng nói Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước - ảnh 2Suốt chiều dài lịch sử 77 năm, Tiếng nói Việt Nam đã luôn đồng hành cùng dân tộc. Ảnh: (Tư liệu)

Với sức mạnh của đội quân tuyên truyền, khả năng tập hợp và đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, văn hóa, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đài là công cụ tuyên tuyền đắc lực trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng nhân dân Việt Nam làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và 21 năm chống Mỹ để làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ số ít cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên ngày đầu thành lập, đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có một đội ngũ đông đảo với khoảng 3 nghìn người thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền ở trong nước và nhiều khu vực trên thế giới. Từ chỗ chỉ làm phát thanh, đến nay Đài có thêm nhiều kênh truyền hình, báo điện tử và báo in, trở thành cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện, có nghiều chương trình chuyên biệt; lan tỏa mạnh mẽ thông tin trên các nền tảng truyền thông hiện đại. Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho biết : "Đài TNVN phát sóng mặt đất trên cả 3 băng tần SW, MW và FM, tỉ lệ phủ sóng gần 97% dân số và trên 91% diện tích đất liền và một số khu vực biển đảo Việt Nam, phủ sóng một số khu vực trọng yếu trến thế giới như Châu Á, Châu Phi, Trung Đông, một phần Châu Âu, Trung Mỹ và vùng vịnh Caribe. Nhờ đó, thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam lan tỏa đến cả những vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo cũng như bạn bè quốc tế và kiều bào ở nước ngoài".

Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Đài phát thanh quốc gia trên mặt trận tư tưởng, trong định hướng phát triển thời gian tới, Đài Tiếng nói Việt Nam nỗ lực trở thành cơ quan báo chí chủ lực, đa loại hình, đa phương tiện, đa nền tảng hàng đầu khu vực, phát triển nhanh và bền vững, trong đó yếu tố đột phá là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các chương trình và chuyển đổi số. Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh: "Đài Tiếng nói Việt Nam đã và đang chủ động nắm bắt, tối đa tận dụng công nghệ trong tác nghiệp, phát sóng chương trình và tương tác với công chúng. Sóng phát thanh giờ đây không chỉ phát sóng trên đài radio truyền thống, mà còn tiếp cận thính giả trên cả không gian mạng, thông qua các ứng dụng OTT của đài như VTC Now, VOV Media, hay trên báo điện tử vov.vn, hoặc trên nền tảng facebook, youtube. Nhiều sản phẩm nội dung số của đài Tiếng nói Việt Nam đã tạo được hiệu ứng tốt và dần tạo được một cộng đồng những người xem, nghe các ứng dụng trên mạng xã hội của đài. Đài cũng đang hoàn thiện dự thảo đề án “Chuyển đổi số Đài Tiếng nói Việt Nam” để trình thủ tướng chính phủ trong năm 2022, tiến tới chuyển đổi số trong sản xuất, phát sóng".

Dấu ấn trong lòng thính giả

77 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã khẳng định vai trò là một trong những cơ quan ngôn luận quan trọng hàng đầu của đất nước, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, là nhịp cầu hữu nghị thân thiện, tin cậy nối Việt Nam với bạn bè thế giới. Chính tiếng nói Việt Nam đã tạo lên sức mạnh đại đoàn kết để nhân dân Việt Nam, tạo niềm tin yêu của thính giả trong và ngoài nước. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà, ở thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, tâm sự: "Giữa biển Đông, hằng ngày, tôi thường xuyên theo dõi các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình rất đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Qua đó, giúp quân, dân trên đảo được chia sẻ, gần gũi hơn, vơi đi nỗi nhớ đối với đất liền".

Đài Tiếng nói Việt Nam nỗ lực trở thành cơ quan báo chí chủ lực, đa loại hình, đa phương tiện, đa nền tảng hàng đầu khu vực, phát triển nhanh và bền vững, trong đó yếu tố đột phá là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các chương trình và chuyển đổi số. 

Ngư dân Mai Thành Phúc (ở Khánh Hòa) cho biết, Đài đã trở thành người bạn không thể thiếu với các ngư dân. Ngư dân Mai Thành Phúc chia sẻ: "Quan trọng nhất là ngày nào đúng giờ đó cũng phải mở đài để nghe thông tin dự báo thời tiết. Ngoài biển bắt rõ lắm, đều phát những thông tin bổ ích cho ngư dân. Mình ở ngoài biển nhưng toàn bộ những thông tin gì, trên đất liền của đất nước mình đều nắm vững hết".

Ông Javad Mottaghi, Tổng Thư ký Hiệp hội PTTH châu Á – Thái Bình Dương (ABU) bày tỏ: "Đài TNVN đã phục vụ nhân dân trong các cuộc chiến tranh và cả trong thời bình, góp phần lớn vào quá trình phát triển đất nước. Đó không chỉ là câu chuyện về sự phát triển thần kỳ của Việt Nam, mà còn là câu chuyện về sự phát triển nhanh chóng của Đài TNVN, trở thành một trong những tổ chức phát thanh truyền hình uy tín bậc nhất trong khu vực, cung cấp cho khán thính giả nguồn thông tin hay và bổ ích về các lĩnh vực giải trí, giáo dục, giới thiệu văn hóa, nghệ thuật và con người Việt Nam đến bạn bè thế giới".

“Hội tụ trí tuệ, vun đắp nhân tài, với chức năng tiếng nói của nhân dân, Đảng, Nhà nước, thông tin đối nội và đối ngoại, tạo sự đồng thuận xã hội, làm tỏa sáng văn hiến Việt Nam” đó là kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người quyết định sáng lập Đài phát thanh quốc gia. 77 năm sau khi ra đời, các thế hệ những người làm phát thanh vẫn miệt mài cống hiến để thực hiện tốt mong muốn của Người.

Feedback