Thúc đẩy quan hệ toàn diện Việt Nam - EU)

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam rất vui mừng hợp tác với Liên minh Châu Âu ở phía Tây Bán cầu, một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại.

Năm 2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục có những bước đi vững chắc để củng cố quan hệ song phương được thiết lập gần 30 năm qua. Những thành quả trong hợp tác chính trị, đặc biệt là kinh tế, đã để lại dấu ấn lịch sử, là biểu hiện rõ nét cho quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Ngoài các chuyến thăm song phương của lãnh đạo, quan chức cấp cao 2 bên, trong năm 2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký một loạt hiệp định quan trọng, tạo nền tảng hợp tác phát triển trong giai đoạn tới.

Thúc đẩy quan hệ toàn diện Việt Nam - EU) - ảnh 1 Ảnh minh họa/VGP

Hợp tác kinh tế: bước chuyển lịch sử trong quan hệ song phương

Năm 2019, hợp tác kinh tế là dấu ấn quan trọng nhất trong quan hệ song phương. Việc ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) sau 7 năm đàm phán, đã tạo những động lực mới, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU.

Với 2 hiệp định trên, trong hợp tác kinh tế - thương mại song phương, từ chỗ Việt Nam nhận hỗ trợ của EU để phát triển, xóa đói, giảm nghèo đã chuyển sang quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các cam kết của một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.  EVFTA và EVIPA mở ra những cơ hội to lớn để hai bên khai thác tối đa tiềm năng và sự bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững.

Trao đổi với báo chí, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu, Vũ Anh Quang cho rằng: "Hai Hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với cả Việt Nam và EU, không chỉ về thương mại, đầu tư. Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện, chất lượng cao, gắn thương mại-đầu tư với các chuẩn mực về xã hội, lao động, môi trường cũng như các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Đây cũng là Hiệp định thương mại-đầu tư thế hệ mới đầu tiên mà EU đạt được với một quốc gia có thu nhập trung bình. Hai Hiệp định này, sau khi được hai bên ký và phê chuẩn sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và EU vì các sản phẩm kinh tế của hai bên không hề cạnh tranh nhau, mà trái lại, mang tính bổ sung, hỗ trợ cho nhau..

Củng cố quan hệ chính trị

Ngoài hợp tác kinh tế, năm 2019, quan hệ Việt Nam - EU có những bước tiến mới trong quan hệ chính trị, an ninh. Hai bên tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác như Ủy ban hỗn hợp nhằm triển khai Hiệp định Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam - EU (PCA); phê chuẩn và đưa vào triển khai Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Việt Nam và EU cũng ghi nhận những bước phát triển tích cực về hợp tác quốc phòng với việc ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (FPA) tháng 10/2019 tại trụ sở của Liên minh châu Âu ở Brussels (Bỉ). Hiệp định cho phép EU và Việt Nam cùng nhau xử lý những thách thức an ninh chung tại châu Á và các khu vực khác trong thời gian tới.  

Thúc đẩy quan hệ toàn diện Việt Nam - EU) - ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Lange Bernd, Trưởng Đoàn đại biểu Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Cũng trong năm 2019, các chuyến thăm của lãnh đạo hai bên với tần suất cao cho thấy, sự ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và EU, đồng thời tạo nền tảng ngày càng vững chắc và mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu.  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác hai bên mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU, là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau, cùng hợp tác, cùng có lợi và cùng phát triển hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp cho sự phát triển bền vững và cho hòa bình, ổn định và phát triển."

Về phần mình, ông Bernd Lange, Chủ tịch Uỷ ban thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu, đánh giá: "Sau mỗi lần quay lại Việt Nam, tôi lại nhận thấy những tiến bộ trong quan hệ song phương, những bước phát triển tích cực. Chúng ta đang cùng nỗ lực để đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới, góp phần cải thiện tốt hơn nữa quan hệ song phương."

Liên minh châu Âu với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, là Đối tác. Ngược lại, Việt Nam rất vui mừng hợp tác với Liên minh Châu Âu ở phía Tây Bán cầu, một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại.

Với tầm nhìn chung đó, những thành quả hợp tác trong năm 2019 giữa EU và Việt Nam là bước tiến quan trọng, tạo sức bật mới cho quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu.

Feedback