Thúc đẩy phát triển bền vững dòng sông Mekong

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ diễn ra ngày mai, 5/4 tại thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam cùng lãnh đạo các quốc gia thành viên Ủy hội, hai đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức lưu vực sông quốc tế... tham dự.
(VOV5)- Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ diễn ra ngày mai, 5/4 tại thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam cùng lãnh đạo các quốc gia thành viên Ủy hội, hai đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức lưu vực sông quốc tế... tham dự.

Tiếp nối Hội nghị cấp cao lần thứ nhất tổ chức tại Hủa Hỉn, Thái Lan năm 2010, Hội nghị lần này tiếp tục thể hiện ý chí và cam kết chính trị của các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên Ủy hội trong hợp tác vượt qua mọi khó khăn, thách thức hướng tới phát triển bền vững lưu vực Mekong.

Với chủ đề “An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Lưu vực sông Mekong”, Hội nghị Cấp cao lần này sẽ tiếp tục khẳng định cam kết hợp tác xuyên biên giới về phát triển bền vững tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của sông Mekong trong bối cảnh gia tăng nhu cầu về nước, năng lượng và lương thực đồng thời chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Từ Tuyên bố Hủa Hỉn đến Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh

Hiệp định hợp tác phát triển bền vững sông Mekong được ký năm 1995 giữa 4 quốc gia là Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Bản Hiệp định này được coi là một trong những văn bản pháp lý về tổ chức lưu vực sông có tính tiên phong nhất trên thế giới, khẳng định cam kết của các quốc gia tham gia ký kết trong hợp tác trên tất cả các lĩnh vực của phát triển, sử dụng, quản lý bền vững và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong. Từ đó đến nay, hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế luôn là một chủ đề trong những cuộc gặp cấp cao của sáng kiến tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong ASEAN cũng như các sáng kiến tiểu vùng khác.

Thúc đẩy phát triển bền vững dòng sông Mekong - ảnh 1

Năm 2010, nhân kỷ niệm 15 năm ngày ký Hiệp định hợp tác phát triển bền vững sông Mekong, lãnh đạo 4 quốc gia Ủy hội đã nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế 4 năm một lần và Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại Hủa Hỉn, Thái Lan. Hội nghĩ đã thống nhất một Tuyên bố chung với tên gọi Tuyên bố Hủa Hỉn, khẳng định tầm nhìn của Ủy hội sông Mekong quốc tế, các hành động ưu tiên cần thực hiện để đạt được tầm nhìn và định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo của Ủy hội. Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng, Văn phòng thương trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, khẳng định: Tuyên bố Hủa Hỉn đã mở đường cho Ủy hội sông Mekong quốc tế thực hiện được nhiều vấn đề có tính chất chiến lược trong vùng. Thứ nhất là thông qua được những kế hoạch vùng và quốc gia thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Đây là vấn đề mà trước năm 2010, Ủy hội sông Mekong quốc tế vẫn còn vướng mắc nhưng sau khi có cam kết của các Thủ tướng, các kế hoạch này đã được thông qua.

Hội nghị lần này diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam trong bối cảnh lưu vực đang có rất nhiều áp lực về nhu cầu phát triển, sự gia tăng dân số, các hoạt động trong phát triển thủy điện, phát triển nông nghiệp, thủy sản, giao thông thủy. Bên cạnh những lợi ích cho phát triển kinh tế-xã hội từ những dự án này mang lại, ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường sinh thái, chất lượng nước đã và đang trở nên quá rõ ràng. Trong bối cảnh đó, Hội nghị cấp cao lần này mang nhiều ý nghĩa. Ông Lê Đức Trung cho biết thêm: Hội nghị cấp cao lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất là khẳng định lại cam kết cao nhất của 4 quốc gia thành viên trong việc đảm bảo phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. Thứ hai là kiểm điểm lại những thành tựu thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn và thứ 3 là xác định những lĩnh vực ưu tiên và hướng đi trong giai đoạn tới.

Tuyên bố thành phố Hồ Chí Minh, tuyên bố chung của Hội nghị sẽ là cam kết chính trị mạnh mẽ nhất của các nhà lãnh đạo Ủy hội sông Mekong quốc tế tại Hội nghị lần này.

Khai thác và sử dụng hiệu quả sông Mekong

Là một trong những con sông lớn nhất của thế giới, sông Mekong chảy qua 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sông Mekong gắn với cuộc sống của hàng chục triệu dân sống dọc theo lưu vực. Bên cạnh đó, sông Mekong cũng gắn với một hệ sinh thái rất đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm đang nằm trong sách đỏ của thế giới.

Là một quốc gia hạ lưu, Việt Nam luôn có những đóng góp tích cực trong bảo vệ nguồn nước sông Mekong. Việt Nam cũng đưa ra nhiều sáng kiến như phát triển hệ thống vận tải đa phương thức để tận dụng mạng lưới sông ngòi, kết hợp và hỗ trợ cho vận tải đường bộ và đường biển. Những sáng kiến này đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho khu vực như: giúp khai thác hiệu quả hơn hệ thống đường bộ, hành lang giao thông và giảm tải các trục giao thông chính; tạo thuận lợi cho du lịch, lưu thông thương mại hàng hoá nhờ cắt giảm chi phí và thời gian vận tải; góp phần bảo vệ môi trường thông qua cắt giảm khí thải giao thông.

Hội nghị cấp cao lần 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết chung sức cùng các nước khu vực, các đối tác, các nhà tài trợ bảo đảm an ninh nguồn nước, tăng cường quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong./.

Feedback