(VOV5)- Hơn 1 năm kể từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành. Thuận lợi lớn nhất là Cộng đồng đem lại cho Việt Nam đó là tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, tạo ra một khu vực kinh tế, thương mại chung và một cơ sở sản xuất chung. Năm đầu tiên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trôi qua với không ít dấu ấn và AEC sẽ tiếp tục là động lực để Việt Nam đổi mới, thích ứng và đi lên, hội nhập sâu hơn vào AEC trong giai đoạn mới. Bài viết của BTV Ánh Huyền “Thúc đẩy hợp tác vì Cộng đồng Kinh tế ASEAN phát triển”.
AEC chính thức ra đời từ cuối tháng 12/2015. AEC mở ra cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường trong nội khối với khoảng 625 triệu dân và GDP hàng năm đạt gần 3000 tỷ USD. Hơn 1 năm qua, AEC đánh dấu sự hợp tác sôi động, đặc biệt giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối và với các khu vực khác trên thế giới. Với Việt Nam, AEC đánh dấu bước hội nhập khu vực, từng bước tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
|
Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN ký vào tuyên bố thành lập cộng đồng ASEAN ngày 22/11/2015
|
AEC tạo động lực phát triển
Trong ba trụ cột, AEC được coi là quan trọng nhất. Sự phát triển của AEC là tiền đề thúc đẩy việc thực hiện hai trụ cột còn lại. Mục tiêu của AEC bao gồm xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế cạnh tranh, một khu vực phát triển đồng đều và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. 1 năm qua kể từ khi AEC ra đời, các nước ASEAN chú trọng thực hiện tự do hóa 3 lĩnh vực lớn đó là tự do hoá trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, tài chính và lao động. Cụ thể, các nước thành viên ASEAN đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm thuế, cải cách thủ tục hải quan và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại khác. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung khẳng định: “Thành tựu lớn nhất của Cộng đồng kinh tế ASEAN đó là đi vào thực hiện những kế hoạch đã đề ra trong lĩnh vực kinh tế như tiếp tục thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa các nước ở châu Á Thái Bình Dương và ASEAN về một khu vực thương mại tự do, thực hiện sáng kiến kết nối trong ASEAN và ASEAN với các cộng đồng khác. Các nước cũng hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực chuyên ngành như tài chính, thương mại đầu tư, lao động, thúc đẩy được các hoạt động, nhất là liên kết với các đối tác bên ngoài và thực hiện thỏa thuận trong khuôn khổ của Cộng đồng kinh tế ASEAN.”
Để đạt mục tiêu xây dựng một khu vực kinh tế cạnh tranh, AEC thời gian qua hướng vào 4 hoạt động chính gồm chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, để tạo lập một khu vực ASEAN phát triển đồng đều, ASEAN đã xem xét xây dựng một chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiết lập một khung chương trình chung cho các doanh nhân ASEAN và triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN. ASEAN cũng nhất trí thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hội nhâp mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
AEC mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam
Sự trưởng thành của hiệp hội thông việc AEC ra đời mang lại lợi ích cho cả khu vực trong đó có Việt Nam. AEC tạo cho Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Không chỉ thị trường trong ASEAN mà còn mở rộng ra các nước ngoài khu vực ASEAN, bởi các nước ASEAN hiện nay đều có những hiệp định hợp tác, nhất là các hiệp định về tự do thương mại với các đối tác thương mại lớn trên thế giới. Và cũng thông qua AEC, tạo điều kiện tăng thêm sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. PGS,TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó chủ nhiệm khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế, đại học Ngoại thương Hà Nội, cho rằng: “Cơ hội thị trường quá rõ ràng với doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường ở đây là thị trường hơn 600 triệu dân, lớn thứ 3 trên thế giới. Và thị trường này lại ở ngay bên cạnh chúng ta, tức là khoảng cách địa lý giữa Việt Nam với các nước trong khu vực không quá xa như Việt Nam với EU, Mỹ hay Nhật. Cho nên doanh nghiệp phải nhìn thấy ngay cái lợi bên cạnh mình.”
Nỗ lực hội nhập toàn diện trong ASEAN
Có thể khẳng định AEC, một trụ cột trong ASEAN ra đời và đi vào hoạt động, đã đưa hợp tác và đoàn kết ASEAN lên một tầm cao mới. Trong một khu vực kinh tế phát triển năng động, việc củng cố liên kết giữa 10 nước thành viên là một nhân tố có ý nghĩa hàng đầu đối với duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như tăng cường vị thế của mỗi quốc gia. ASEAN đang trở thành khu vực quan trọng thu hút sự quan tâm của các quốc gia đối tác ngoài khu vực. Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning nhấn mạnh: “Chúng tôi rất coi trọng quan hệ giữa New Zealand và ASEAN trong đó Việt Nam là một thành viên quan trọng. New Zealand và ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Điều này thể hiện cam kết, sự coi trọng của chúng tôi đối với ASEAN trong định hướng phát triển thịnh vượng.”
Một AEC hội nhập toàn diện sẽ đem lại những lợi ích không nhỏ cho Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất, đóng góp sáng kiến cùng ASEAN thúc đẩy thực hiện Kế hoạch cộng đồng kinh tế ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, phục vụ mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước