Sáng 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và thăm Nhật Bản từ ngày 27/6 - 1/7 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Việc tham dự Hội nghị G20 khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của Việt Nam đối với hoà bình, an ninh và phát triển trong khu vực.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham dự sự kiện quan trọng nhất của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới. Năm 2010, Việt Nam tham dự Hội nghị thượng định G20 lần đầu tiên với tư cách Chủ tịch ASEAN. Trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm chủ tịch. Tại thượng đỉnh G20 lần này, Việt Nam là 1 trong 8 khách mời đặc biệt của chủ nhà Nhật bản.
Chủ động đóng góp vì hợp tác đa phương
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này dự kiến có 4 phiên thảo luận về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư; đổi mới sáng tạo và kinh tế số; phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế; môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu.
Với tư cách khách mời, Việt Nam tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 trong năm 2019; tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị G20, trong đó, có chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, vì một thế giới hoà bình, thịnh vượng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, ba vấn đề then chốt mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe coi trọng và đưa ra thảo luận ở hội nghị lần này gồm: cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế số và môi trường, đặc biệt là môi trường trên biển. Cả 3 chủ đề đó đều liên quan mật thiết tới lợi ích của Việt Nam và hiện nay, Việt Nam đang tích cực tham gia giải quyết 3 vấn đề này. Đại sứ Việt Nam tại Nhật bản Vũ Hồng Nam cho biết: “Trước hết, đối với vấn đề tự do hóa thương mại, Việt Nam là một trong những nước tham gia WTO rất muộn nhưng khi tham gia WTO, Việt Nam đã tham gia rất tích cực. Thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người khởi xướng việc Việt Nam chuyển đổi rất nhanh sang nền kinh tế 4.0. Với tư cách Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, chắc chắn Thủ tướng sẽ tham gia tích cực vào vấn đề kinh tế số. Thứ ba, Việt Nam là quốc gia biển cho nên rác thải nhựa trôi nổi ở trên biển có nguy cơ đe dọa nền kinh tế biển của Việt Nam. Vì vậy, đây là vấn đề sát sườn của Việt Nam và tôi cho rằng bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đề cập tới chủ đề này”.
Củng cố hợp tác song phương
Nhân tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiến hành chuyến thăm Nhật bản. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Hai nước vừa kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 2018), và hiện có các chế hợp tác quan trọng, như: Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật; đối thoại đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản về ngoại giao-an ninh-quốc phòng; đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản; ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp; đối thoại nông nghiệp ….
Về hợp tác kinh tế, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước 5 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 15 tỷ USD (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018). Lũy kế đến tháng 5-2019, Nhật Bản có hơn 4 nghìn dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 58 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, hai nước còn hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như: nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác lao động, giáo dục, du lịch...Đây là cơ sở thuận lợi để quan hệ Việt - Nhật tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Đại sứ Vũ Hồng Nam nhận định: “Tôi cho rằng quan hệ Việt-Nhật sẽ tiếp tục phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trên hai góc độ. Thứ nhất, chúng ta có thể thấy rất rõ về mặt chính trị Nhật Bản coi Việt Nam như một thành viên quan trọng trong hệ thống của G20 cũng như trong nền chính trị - kinh tế thế giới. Vấn đề thứ hai, tôi cho rằng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước phát triển nhanh hơn, đó là hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quen với các điều kiện của CPTPP và tham gia nhiều hơn thì trao đổi thương mại giữa hai nước sẽ tăng nhiều hơn nữa”.
Chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ trương, đường lối đối ngoại do Đại hội XII của Đảng CSVN đề ra, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, khẳng định sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chuyến thăm đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển.