Thúc đẩy giáo dục sáng tạo, xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Trong hai ngày 30 và 31/3, tại thành phố Huế diễn ra Hội nghị hợp tác Á – Âu (ASEM) về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững. 

(VOV5)- Trong hai ngày 30 và 31/3, tại thành phố Huế diễn ra Hội nghị hợp tác Á – Âu (ASEM) về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững. Hội nghị là sáng kiến của Việt Nam với sự đồng bảo trợ của 5 nước thành viên, gồm Phần Lan, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Xây dựng nguồn nhân lực vì sự phát triển bền vững là một trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và với việc đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị này, Việt Nam mong muốn trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn từ các nước giữa hai châu lục, phục vụ cho mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững


Đây là Hội nghị tầm liên khu vực quan trọng nhất trong khuôn khổ ASEM do Việt Nam đăng cai năm 2017, nhằm triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEM 11 và cũng là sáng kiến đầu tiên về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thập kỷ thứ ba của ASEM.

Thúc đẩy giáo dục sáng tạo, xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững - ảnh 1
Ảnh minh họa - Nguồn: internet

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nước thúc đẩy giáo dục sáng tạo, phát triển các kỹ năng thế kỷ 21 để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội nghị góp phần thúc đầy họp tác Á - Âu giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục, lao động, việc làm, đề xuất về Tầm nhìn Giáo dục và phát triển nhân lực của ASEM, Chương trình các kỹ năng mới của ASEM, hướng tới tăng trưởng bền vững và toàn diện, đóng góp hiệu quả vào việc triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững.


Vai trò của giáo dục và nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và công nghệ thông tin

Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang diễn ra ngày càng sâu rộng và đã đem lại những thành tựu to lớn không thể phủ nhận. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, ngoài việc giúp Việt Nam tiếp thu được khoa học-công nghệ mới và kỹ năng quản lý tiên tiến trên nhiều lĩnh vực, quá trình hội nhập còn góp phần đào tạo cho Việt Nam có được đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ và năng lực cả về chuyên môn lẫn quản lý.


Tuy nhiên, hội nhập cũng đồng thời cũng đặt giáo dục Việt Nam trước một áp lực lớn là phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để xây dựng được nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao. Trong bối cảnh yêu cầu đào tạo phải phù hợp với chuẩn chung của khu vực và quốc tế, lực lượng lao động Việt Nam sau đào tạo phải làm cạnh tranh được không chỉ tại thị trường lao động ngoài nước mà còn phải làm sao cạnh tranh được ngay tại thị trường lao động Việt Nam. Nhấn mạnh đến điều này, ông Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ giáo dục đào tạo Việt Nam, Tổng thư ký Hội đồng học hàm quốc gia, cho rằng: “Thời buổi hội nhập ngày nay thì công dân toàn cầu trong nhiều tố chất thì rất cần 2 kỹ năng đó là tiếng Anh và công nghệ thông tin. Đấy là 2 công cụ có tầm quan trọng thời đại. Công nghệ thông tin đã vào mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam. Với một nước như Việt Nam, dù thu nhập chưa cao nhưng với sự phổ cập của tin học, ứng dụng tin học và một số công ty đã bắt đầu việc nghiên cứu và bán phần mềm trên thế giới thì đó là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, tiếng Anh thì tôi cho rằng là một đòi hỏi cấp bách, mang tính chiến lược.”


Nhận thức được điều này, những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách  liên quan đến nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Ông Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, khẳng định: “Chính phủ đã ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực toàn quốc cũng như các ngành, các địa phương. Tất cả quy hoạch đó hướng tới việc làm sao để hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam tương thích với nhu cầu nhân lực trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục đào tạo cũng rất tích cực trong việc đề xuất cho Chính phủ xây dựng các chiến lược phát triển giáo dục hướng đến nâng tầm giáo dục. Ngoài ra, Quốc hội cũng đã ban hành Luật giáo dục đại học trong đó nhấn mạnh đến đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đáp ứng chuẩn quốc tế.”


Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực

Tham khảo thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển châu Á và châu Âu, điển hình hợp tác Á - Âu trong thúc đẩy giáo dục sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục xuyên quốc gia, đào tạo nghề, tự chủ đại học...là một định hướng ưu tiên của Việt Nam phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững, Việt Nam muốn chuyển đi thông điệp về chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia đề xuất hướng hợp tác ASEM trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời, tranh thủ ủng hộ, phối hợp của các thành viên thúc đẩy quan tâm của Việt Nam về đổi mới, sáng tạo, giáo dục và phát triển nhân lực.

Feedback