Thoả thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân Iran: mục tiêu khó đạt

Hồng Vân
Chia sẻ

 (VOV5) -   Theo dự kiến, ngày 18/2, tại Vienna (Áo), Iran và nhóm P5+1(gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) bắt đầu nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran nhằm đạt được thoả thuận toàn diện và lâu dài. Tuy nhiên, những gì diễn ra trước thềm sự kiện quan trọng này lại cho thấy đây sẽ là cuộc đàm phán phức tạp, kéo dài và không có gì chắc chắn sẽ mang lại kết quả như mỗi bên mong muốn.

 (VOV5) -   Theo dự kiến, ngày 18/2, tại Vienna (Áo), Iran và nhóm P5+1(gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) bắt đầu nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran nhằm đạt được thoả thuận toàn diện và lâu dài. Tuy nhiên, những gì diễn ra trước thềm sự kiện quan trọng này lại cho thấy đây sẽ là cuộc đàm phán phức tạp, kéo dài và không có gì chắc chắn sẽ mang lại kết quả như mỗi bên mong muốn.


Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) từ ngày 18/2, diễn ra tại Vienna (Áo)  sau khi hai bên đã đạt thỏa thuận tạm thời hồi tháng 11/2013. Trước đó, từ ngày 20/1, Iran và các cường quốc đã bắt đầu thực thi thỏa thuận tạm thời này, theo đó, Iran đồng ý giảm hoặc đóng băng một số hoạt động hạt nhân trong 6 tháng để đổi lại việc phương Tây giảm bớt trừng phạt hiện nay và không áp đặt thêm trừng phạt mới.

 

Thoả thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân Iran: mục tiêu khó đạt - ảnh 1
Một vòng đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (Ảnh: AP)



Đây là cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa nhóm P5+1 với Iran kể từ khi hai bên ký thỏa thuận hạt nhân sơ bộ ngày 24/11 năm ngoái. Vòng đàm phán sẽ kéo dài trong vài ngày, do Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton chủ trì.



Mối bi quan phủ bóng lên cuộc đàm phán

Trước khi đàm phán diễn ra, các bên đều đưa ra những nhận xét hoài nghi về khả năng đạt được một kết quả tích cực nhằm xoa dịu những quan ngại của cộng đồng quốc tế về việc Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, điều mà Iran luôn bác bỏ. Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ thừa nhận tiến trình tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài nhằm hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi nhiều thập kỷ qua của Iran là không dễ dàng. 


Trong khi đó, giới lãnh đạo Iran cũng không tỏ ra lạc quan về tiến trình này. Lãnh tụ tinh thần Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei dự đoán các cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ không đi đến đâu. Nhận định của ông Khamenei là một lời cảnh báo gửi đến Washington về nguy cơ đàm phán thất bại. Đại giáo chủ Khamenei còn cho rằng vấn đề hạt nhân của Iran chỉ là một cái cớ của Mỹ và Washington sẽ không chấm dứt sự thù địch đối với Tehran.

 

Ngoại trưởng Iran Mahammad Javad Zarif phát biểu rằng thách thức lớn nhất là tình trạng thiếu lòng tin giữa các bên.

 

Đồng quan điểm với giới chức 2 bên, theo nhiều nhà phân tích, cơ hội ký kết một thoả thuận toàn diện và lâu dài là rất thấp: chưa đến 10%. Thậm chí, giới quan sát còn cho rằng cho đến thời điểm này, một thoả thuận tạm thời vẫn được coi là phương án khả dĩ nhất mà phương Tây có thể đạt được trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.

 

Bất đồng quan điểm - vấn đề mấu chốt ảnh hưởng đến đàm phán

Mâu thuẫn gay gắt giữa Tehran và phương Tây cộng với sự phản đối của phe đối lập ở mỗi phía là mối đe doạ thường trực được cho là có thể bùng phát bất cứ khi nào trong quá trình đàm phán.

 

Theo nhà đàm phán hạt nhân của Iran Hamid Baeedinejad, nội dung đàm phán giữa Tehran với các cường quốc tập trung vào các máy ly tâm tiên tiến và lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak  đang trong quá trình thi công.

 

Phương Tây lo ngại lò phản ứng Arak vì Tehran có thể chiết xuất plutoni để sản xuất bom hạt nhân. Tuy nhiên ông Baeedinejad khẳng định Iran dứt khoát không chấp nhận từ bỏ quyền thay các máy ly tâm hiện có bằng những máy ly tâm mới và hiện đại.

 

Trong khi đó,một tuần trước đàm phán, giới chức Iran cũng cảnh báo rằng họ sẽ không nhượng bộ về một số vấn đề gai góc nhất. Majid Takhte Ravanchi, một quan chức đàm phán của Iran, khẳng định Iran sẽ không chấp nhận đóng cửa bất kỳ cơ sở hạt nhân nào.

 

Về phần mình, các nước phương Tây dường như không có ý định thay đổi quan điểm rằng Iran phải huỷ bỏ những phần nguy hiểm nhất trong chương trình hạt nhân.

 

Trước những bất đồng sâu sắc trên, ngay sau khi tới Vienna để chuẩn bị cho vòng đàm phán mới với Nhóm P5+1, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã phải kêu gọi các bên cùng thể hiện quyết tâm chính trị để đàm phán thành công. Theo ông Zarif,  thỏa thuận sơ bộ mà 2 bên đạt được tháng 11/2013 về vấn đề hạt nhân Iran là một bước đi tích cực và cần được thực thi triệt để. Tất nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ và đòi hỏi các bên phải giải quyết ổn thỏa trong quá trình đàm phán.

 

Bất đồng sâu sắc giữa Iran và phương Tây rõ ràng sẽ gây tác động tiêu cực đến kết quả đàm phán hạt nhân. Vì vậy, thoả thuận hạt nhân toàn diện và lâu dài vẫn chỉ là điều xa vời khi các bên không chịu thay đổi hướng tiếp cận vấn đề và không chấp nhận nhượng bộ./.

Feedback