Mỹ và Trung Quốc vừa ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Washington, đánh dấu sự ngưng chiến sau hơn 18 tháng ăn miếng trả miếng lẫn nhau. Thỏa thuận, dù được đánh giá là không đi vào trọng tâm giải quyết các khúc mắc mà chỉ giải tỏa phần nào mối quan ngại của cả hai bên, nhưng dù vậy, thỏa thuận cũng đem lại những tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính toàn cầu ngay trong tháng đầu năm 2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải, phía trước) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) tại lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ở Washington DC., ngày 15/1/2020. - Ảnh: THX/TTXVN |
Bản thỏa thuận, theo đánh giá, sơ sài hơn đa số các cam kết trước đó cùng loại, song là sự ghi nhận nỗ lực thu hẹp bất đồng giữa hai cường quốc kinh tế trong nhiều lĩnh vực. Nhiều chuyên gia thương mại nhận định bản thỏa thuận này sẽ khiến cuộc đàm phán tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn.
Nhiều điểm lớn vẫn chưa được giải quyết
Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng 2 năm tới và đổi lại Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12/2019, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc.
Việc hai nước chính thức ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đánh dấu bước đầu tiên trong việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài gần 2 năm qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kết quả mà bản thỏa thuận này đạt được là vô cùng khiêm tốn.
Trước hết, thỏa thuận không đề cập tới những vấn đề trọng tâm mà Mỹ nêu ra khi tiến hành thương chiến, trong đó bao gồm trợ cấp công nghiệp và ưu đãi dành cho công ty nhà nước tại Trung Quốc. Điểm lớn nhất trong thương chiến Mỹ-Trung là Mỹ luôn phản đối việc Trung Quốc bảo hộ các ngành công nghiệp trọng yếu để giúp đạt lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề này không hề được đề cập trong thỏa thuận. Thứ hai, thỏa thuận này không giải quyết được các vấn đề kinh tế cốt lõi dẫn đến xung đột thương mại, không loại bỏ hoàn toàn thuế quan đã làm chậm nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tỏ ra đề phòng với diễn biến tiếp theo, sau khi ký kết thỏa thuận cùng Mỹ. Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) của Trung Quốc đăng xã luận sau khi thỏa thuận ký kết thừa nhận, các vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết và nỗ lực đưa quan hệ thương mại giữa 2 nước trở về trục hoạt động bình thường sẽ là một thách thức lớn. Global Times tuyên bố Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ việc Washington sẽ lặp lại các "chiêu bài" cũ nếu 2 quốc gia tiếp tục có tranh chấp trong tương lai.
Theo hầu hết các nhà phân tích, việc ký thỏa thuận giai đoạn 1 là sự xuống thang khiêm tốn các hoạt động thương mại đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, cho rằng thỏa thuận này khó có thể giải quyết tận gốc các căng thẳng thương mại và kinh tế giữa hai nước và thậm chí những cẳng thẳng này còn có thể tiếp tục tồi tệ hơn.
Dù vậy, thỏa thuận giai đoạn 1 Mỹ-Trung được ký kết ngay lập tức đã có tác động tức thì tới thị trường tài chính toàn cầu. Trên thị trường vàng, giá vàng thế giới giảm do niềm tin thị trường được cải thiện. Ba chỉ số chính của Phố Wall đều lập đỉnh mới trong phiên 15/1. Thỏa thuận còn hứa hẹn sẽ tác động tích cực tới niềm tin của giới doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới khi nhiều doanh nghiệp .
Vẫn còn nhiều vấn đề gai góc
Rõ ràng, việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ rất quan trọng đối với việc xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia, tạo cơ sở cho thành công của các cuộc đàm phán. Thỏa thuận giai đoạn 1 Mỹ-Trung Quốc phần nào giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước nhưng vẫn còn nhiều "thách thức đáng kể". Những điểm then chốt gây bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh thời gian qua bao gồm thương mại số hóa, an ninh mạng và chính sách trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc cho các công ty nhà nước. Ngoài ra, các vấn đề Hong Kong, cộng đồng người Hồi giáo ở Trung Quốc, được cho vẫn tác động tới quan hệ Mỹ-Trung bất cứ lúc nào.
Mặc dù thỏa thuận giai đoạn 1 không thể giải quyết tất cả các vấn đề thương mại của 2 bên, nhưng theo các nhà quan sát nhận định, nó là một bước đi tích cực giúp tránh một cuộc chiến thương mại "khốc liệt" có thể gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các vấn đề gai góc hơn dự kiến sẽ được đề cập tới trong các vòng đàm phán trong tương lai.