Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chia sẻ
(VOV5)- Ngày 11/06 cách đây 64 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua ái quốc để kêu gọi toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Hơn 60 qua, những phong trào thi đua đã trở thành động lực thôi thúc, động viên người dân Việt Nam đạt được những thành tích quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.

(VOV5)- Ngày 11/06 cách đây 64 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thi đua ái quốc để kêu gọi toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Hơn 60 qua, những phong trào thi đua đã trở thành động lực thôi thúc, động viên người dân Việt Nam đạt được những thành tích quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.


Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh - ảnh 1


Điểm sáng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là ngay từ khi phát động phong trào, Người đã chỉ rõ sự gắn bó chặt chẽ giữa thi đua với lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Người khẳng định “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.


Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 64 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, liên tục và rộng khắp. Từ những phong trào thi đua lớn như “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại phong”, “Cờ Ba nhất”...đến các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” hiện nay, đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân cùng thi đua.


Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh - ảnh 2


Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, tích cực và sáng tạo của con người Việt Nam, tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn và rất quan trọng của 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và những thành tựu quan trọng của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng.


Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng, cho rằng có được kết quả này là do các phong trào đã vận dụng cách thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua thì phải đặt ra chỉ tiêu phù hợp với mỗi ngành, mỗi đối tượng. Ví dụ như với các cháu thiếu niên nhi đồng thì Người nói là thi đua tùy theo sức của mình, hay với công nhân là chắc tay búa, nông dân là vững tay cày…Tức là thi đua trong công việc của mình hàng ngày, rất bình dị,không phải đao to búa lớn gì cả. Theo Người, mỗi người có một nhiệm vụ và khi mà mọi người hoàn thành nhiệm vụ của mình, trên vị trí công tác của mình, thì đây chính là thi đua và góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng.



Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh - ảnh 3


Bà Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, một trong những địa phương đi đầu trong phong trào thi đua đồng thời cũng là nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc 64 năm trước đây, cho biết: Công tác thi đua không phải là việc của một cấp, một ngành mà phải của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phải có sự tham gia của toàn thể người dân. Bên cạnh đó, việc phát động thi đua phải gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của từng địa phương, đơn vị để xây dựng các tiêu chí thi đua phù hợp. Đồng thời tăng cường việc giám sát, đôn đốc phong trào thi đua và chú trọng việc xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến.


Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thế Thắng, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (khu vực 1) cho rằng phải quan tâm đến công tác khen thưởng và cùng với đó là xử phạt nghiêm minh. Khen thưởng đúng việc, đúng người, sẽ góp phần tạo không khí thi đua trong sáng, lành mạnh: Sự gắn bó kịp thời giữa khen thưởng với thi đua cũng là một yếu tố giúp cho phong trào thi đua phát triển mạnh. Trong bình bầu, xét thưởng mà không công bằng, không dân chủ, công khai thì sẽ làm mọt ruỗng phong trào thi đua, khiến người ta chán nản không muốn thi đua nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nên trong thi đua càng cần phải quan tâm tới những người trực tiếp sản xuất, trực tiếp lao động. Có như vậy, phong trào thi đua mới có thể sôi nổi và có tính quần chúng rộng rãi.



Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh - ảnh 4


Từ hiệu quả của nhiều phong trào thi đua yêu nước trong 64 năm qua đã chứng minh những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua đến nay vẫn mang nhiều giá trị thực tiễn sâu sắc.


Cách mạng càng khó khăn càng cần phải tổ chức các phong trào thi đua, nhằm huy động sức mạnh của mọi tầng lớn nhân dân, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, khi người dân Việt Nam đang tiếp tục việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì thi đua ái quốc không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước mà còn là cách học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết thực nhất./.

Feedback