Thêm cơ hội nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Theo giới phân tích, việc tiến tới thỏa thuận nối lại JCPOA đang có những điều kiện thuận lợi chưa từng có.

Ngày 8/2 vừa qua, vòng đàm phán thứ 9 về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA) ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc (nhóm P5+1), đã được nối lại tại thủ đô Vienna (Áo). Điều đáng chú ý là ngay trước khi vòng đàm phán mới được xúc tiến, Mỹ đã thực hiện bước đi được đánh giá là “có lợi” cho tiến trình thương thảo. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, để tiến tới thỏa thuận then chốt cuối cùng, tất cả các bên liên quan cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Thêm cơ hội nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran - ảnh 1Toàn cảnh vòng đàm phán về khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran ở Vienna, Áo - Ảnh: IRNA/TTXVN

Vòng đàm phán mới nhất là vòng đàm phán thứ hai được tổ chức trong năm 2022 giữa Iran và P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), sau vòng đàm phán diễn ra hồi tháng 1 nhưng chưa thể mang lại kết quả kỳ vọng. Tương tự như 7 vòng đàm phán được tiến hành trong năm năm 2021, trở ngại lớn nhất khiến vòng đàm phán thứ 8 vừa qua không thể tiến tới thỏa thuận cuối cùng vẫn là bất đồng quan điểm cơ bản giữa Mỹ và Iran xung quanh vấn đề dỡ bỏ trừng phạt. Tuy nhiên, ít ngày trước khi vòng đàm phán thứ 9 được tổ chức, hôm 4/2 Chính quyền Mỹ bất ngờ kích hoạt quyết định dừng áp đặt trừng phạt chống Iran. Đây được đánh giá là bước đi tích cực, có lợi cho các cuộc đàm phán mà các bên có cùng nhận định là đang ở vào giai đoạn quyết định.

Những tín hiệu khả quan

Trong thông báo ngày 4/2, Chính quyền Mỹ quyết định dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt quan trọng chống Iran. Theo đó, Mỹ cho phép các công ty nước ngoài tham gia vào một số dự án dân sự tại các nhà máy năng lượng hạt nhân và lò phản ứng ở Iran. Có nghĩa là giờ đây các công ty Nga, Trung Quốc và châu Âu đã có thể thực hiện các dự án hợp tác hạt nhân dân sự với Iran với điều kiện các cơ sở hạt nhân của Iran không được sử dụng cho việc phát triển vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích rằng việc khôi phục quyết định miễn trừ trừng phạt sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA.

Ngay lập tức, Nhà nước Hồi giáo Iran đã lên tiếng hoan nghênh động thái của Mỹ. Hãng thông tấn ISNA của Iran dẫn lời Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian trong tuyên bố đưa ra ngày 5/2 nhấn mạnh rằng việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt cho thấy thiện chí của Mỹ.

Biễn biến tích cực này cũng khiến nhiều nhà phân tích và giới chức các bên có những nhận định lạc quan về khả năng vòng đàm phán hiện nay đạt kết quả tốt. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, bày tỏ hy vọng các bên sẽ nhanh chóng đạt được kết quả. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/2 nhận định các cuộc đàm phán hiện nay với Iran có thể đi đến một thỏa thuận. Một quan chức Mỹ chưa xác định danh tính thậm chí tin rằng, các bên đang ở “rất gần thỏa thuận”.

Đặc biệt, một số nguồn tin từ Vienna còn khẳng định rằng, một bản thỏa thuận chi tiết khoảng 20 trang về việc nối lại JCPOA đã được các bên soạn thảo. Nội dung cơ bản là giữ nguyên cam kết ban đầu như thỏa thuận 2015 với một số bổ sung cho phù hợp bối cảnh mới. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ nguồn tin chính thức nào xác nhận thông tin này. Trong khi đó, bản thân các bên liên quan dù đặt kỳ vọng lớn nhưng cũng đồng thời đưa ra đánh giá thận trọng về khả năng sớm đạt được thỏa hiệp.    

Còn nhiều trở ngại và cần nhiều nỗ lực

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/2 nêu rõ: “Một thỏa thuận giải quyết được những quan ngại cốt lõi của tất cả các bên đã trong tầm mắt, nhưng nếu không hoàn tất trong những tuần tới thì những tiến triển hạt nhân của Iran hiện nay sẽ khiến chúng tôi không thể trở lại JCPOA”. Tương tự, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cũng lưu ý rằng vẫn còn tồn tại một số bất đồng lớn giữa các bên, đặc biệt là giữa Mỹ và Iran. Bởi thế, quan chức này cho rằng, các cuộc đàm phán hiện nay dù đang trong giai đoạn cuối cùng, song chưa biết sẽ kéo dài trong bao lâu.

Thêm cơ hội nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran - ảnh 2Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian - Ảnh: IRNA/TTXVN

Về phần mình, Ngoại trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian trong tuyên bố hoan nghênh việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt cũng nhấn mạnh rằng những gì trên giấy tờ là chưa đủ. Quan chức này yêu cầu Washington cần thể hiện thiện chí rõ ràng hơn nữa trong các hành động thực tế khác.

Theo giới phân tích, việc tiến tới thỏa thuận nối lại JCPOA đang có những điều kiện thuận lợi chưa từng có, nhất là thiện chí của hai bên chủ chốt là Mỹ và Iran. Có thể nói rằng, khả năng đạt được thỏa thuận đã trong tầm mắt, song để đạt được nó trong tầm tay lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Vẫn còn đó những trở ngại lớn. Trong đó, vấn đề xây dựng lòng tin giữa các bên vẫn là bài toán thách thức nhất, đòi hỏi tất cả các bên cần nỗ lực nhiều hơn nữa để vuợt qua.

Feedback