Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF 2019) đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ từ ngày 22 đến 25/1. Với chủ đề chính là "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc mới trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4", Hội nghị lần này được đánh giá là nơi tụ họp của những nhân vật hàng đầu thế giới. Thế nhưng, sự vắng mặt của nhiều nhân vật chủ chốt khiến Davos 2019 kém đi tính hấp dẫn và có thể đi chệch mục tiêu toàn cầu hóa.
WEF 2019 tại Davos diễn ra trong bối cảnh nhiều vấn đề của thế giới đang trở nên khó lường và bất ổn hơn bao giờ hết.
Các diễn giả tham gia vào buổi họp báo về Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2019, ngày 15/1 tại Geneva (Thụy Sĩ). - Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN |
Nổi cộm các vấn đề về chính trị và kinh tế
Kể từ Davos 2018, quan hệ thương mại và ngoại giao toàn cầu có rất nhiều vấn đề cần thảo luận. Tháng 1/2018, Tổng thống Donald Trump lần đầu công bố việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và từ đó tới nay, Mỹ và Trung Quốc đã áp dụng mức thuế lần lượt là 250 tỷ USD và 110 tỷ USD lên hàng hóa của nhau. Washington hiện đang chứng kiến tình trạng chính phủ đóng cửa với thời gian dài kỷ lục, do sự bế tắc trong kế hoạch tài trợ để xây dựng một bức tường dọc biên giới. Còn Brexit vẫn trong tình thế hỗn loạn và chưa có kết quả rõ ràng, dù chỉ vài tuần nữa là Anh phải rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó tại châu Âu, năm qua cũng chứng kiến sự thắng thế của chủ nghĩa dân túy, các đảng cực hữu lên nắm quyền mà ở Italia là điển hình. Chủ nghĩa dân túy lên ngôi cũng tác động đến việc Thủ tướng Đức Angela Merkel phải tuyên bố sẽ rút lui khỏi sân khấu chính trị của nước Đức và châu Âu, từ bỏ vai trò Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). Còn tại Pháp, tổng thống Pháp Emmanual Macron cũng đang phải chật vật tìm cách giải quyết các cuộc biểu tình đang diễn ra thường xuyên và cực kỳ căng thẳng trên đường phố của thủ đô Paris.
Không chỉ Mỹ, ở Anh có Brexit, mà ở Brazil, Áo và Hungary đều có rất nhiều ứng viên chính trị dân túy đang được bầu và việc thay đổi chương trình nghị sự khiến chủ nghĩa bảo hộ trầm trọng hơn và theo chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn. Kết quả là làm suy yếu các mối liên kết đa phương và tình trạng này, theo các nhà phân tích quốc tế, có thể tiếp diễn trong năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. - Nguồn: Thống Nhất/TTXVN |
Bên cạnh đó, tội phạm an ninh mạng, những mối đe dọa về môi trường cũng như sự thay đổi về địa chính trị cũng là những rủi ro lớn đối với thế giới hiện nay. Tuy nhiên, trong bổi cảnh như vậy, các chương trình nghị sự trên khắp thế giới lại đang chứng kiến sự gia tăng bất đồng giữa các quốc gia cũng như làm suy yếu các thể chế đa phương. Trong một báo cáo công bố gần đây, WEF đã nhấn mạnh: Những rủi ro trên toàn cầu đang tăng lên nhưng tinh thần tập thể để giải quyết những vấn đề đó dường như là chưa đủ.
Davos 2019 có thúc đẩy toàn cầu hóa?
Trong bối cảnh đó, Davos năm nay, với sự tham dự của những người đứng đầu và các quan chức của hơn 100 chính phủ cùng các giám đốc điều hành của hơn 1.000 công ty toàn cầu, được trông đợi bàn luận các vấn đề theo mục tiêu của diễn đàn là "cải thiện tình trạng của thế giới."
Thế nhưng, với những gì đang diễn ra tại diễn đàn năm nay, người ta không quá trông đợi về một sự đột phá nào. Niềm hy vọng Davos 2019 có thể tạo ra bước đột phá trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tan thành mây khói khi toàn bộ phái đoàn Nhà Trắng ngồi nhà. Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy chuyến đi và chỉ gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến WEF. Tương tự, Thủ tướng Anh Theresa May cũng hủy chuyến đi tới Davos sau khi bản kế hoạch Brexit không được Nghị viện thông qua. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì đang vất vả giải quyết tình trạng biểu tình của người áo vàng suốt nhiều tuần qua. Thậm chí, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không tham dự hội nghị lần này và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đang bận vận động cho cuộc bầu cử lần 2 nên không thể tới.
Trong Báo cáo Thách thức Toàn cầu 2019 của WEF đưa ra tại Diễn đàn lần này cũng cảnh báo nguy cơ đối đầu chính trị gia tăng giữa các cường quốc sẽ ngăn chặn doanh nghiệp và chính phủ giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu hoặc các vụ tấn công mạng.
Dẫu rằng diễn đàn WEF là một cơ hội lớn để những CEO, thống đốc, chuyên gia tài chính, những người giàu có và quyền lực hội tụ và đàm phán với nhau về các vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị và xã hội trên toàn cầu. Song, sự thiếu vắng hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của các cường quốc là tín hiệu cho thấy cuộc chiến toàn cầu hóa đang hết sức gian nan.