Thế giới nỗ lực hành động xây dựng lại niềm tin tại Davos

Chia sẻ
(VOV5) -

Trong bối cảnh các bất ổn địa chính trị và kinh tế tiếp tục gia tăng trong những ngày đầu năm, Diễn đàn Kinh tế thế giới, diễn ra trong tuần này tại Davos (Thụy Sỹ) là cơ hội để cộng đồng thế giới biến các nỗ lực xây dựng lại niềm tin thành hành động cụ thể.

Cuộc họp thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chính thức khai mạc hôm 15/01 tại Davos (Thụy Sỹ) với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”.

Thế giới nỗ lực hành động xây dựng lại niềm tin tại Davos - ảnh 1Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024 tại thành phố Davos của Thụy Sĩ trong các ngày 15-19/1 có chủ đề "Xây dựng lại niềm tin.”. Nguồn: WEF

4 ưu tiên thảo luận để xây dựng lại niềm tin

Ngay trước ngày khai mạc WEF lần thứ 54 ở Davos, các nhà tổ chức công bố “Báo cáo rủi ro toàn cầu” năm nay (10/01), trong đó xác định sự tác động của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào tính toàn vẹn và chính xác của thông tin là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới trong vài năm tới, tiếp đến là khí hậu cực đoan, di dân cưỡng bức. Sự nổi lên của các mối đe dọa phi truyền thống này, song hành cùng các rủi ro truyền thống, như: xung đột vũ trang, bất bình đẳng kinh tế… phản ánh một thế giới ngày càng phức tạp hơn và mong manh hơn trước các biến động.

Đó là lí do WEF năm nay lựa chọn chủ đề “Xây dựng lại niềm tin” làm xương sống cho các thảo luận. Chủ tịch WEF, Borge Brende, chia sẻ: “Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế phức tạp nhất trong vài thập kỷ qua. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần khẩn cấp xây dựng lại niềm tin. Đó chính là chủ đề của Diễn đàn năm nay”.

Theo WEF, việc xây dựng lại niềm tin cần thực hiện ở 3 cấp độ cơ bản: niềm tin vào tương lai; niềm tin trong các xã hội và niềm tin giữa các quốc gia. WEF năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất kể từ sau đại dịch Covid-19, với hơn 2.600 đại biểu tham dự, trong đó có lãnh đạo của gần 70 quốc gia, đại diện Hoàng gia và tổ chức quốc tế, mức tham dự cao hơn cả trước thời kỳ đại dịch Covid-19. Với quyết tâm xây dựng lại niềm tin, thúc đẩy đối thoại để tìm kiếm các giải pháp chung cho các vấn đề toàn cầu, WEF năm nay tại Davos tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính, bao gồm: thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh; Tạo tăng trưởng và việc làm trong kỷ nguyên mới; Trí tuệ nhân tạo như là lực đẩy cho kinh tế và xã hội; Chiến lược dài hạn cho vấn đề khí hậu, tự nhiên và năng lượng.

Sự tham dự của nhiều lãnh đạo thế giới tại Diễn đàn ở Davos năm nay, như: Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; Tổng thống Pháp Emmanuel Macron; Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen… mang lại nhiều hy vọng về các đối thoại chất lượng.

Theo ông Amitabh Behar, Giám đốc điều hành tạm quyền của Oxfam, tổ chức phi chính phủ vừa công bố báo cáo về sự gia tăng bất bình đẳng trên thế giới, Diễn đàn tại Davos là nơi thích hợp để các cảnh báo về bất bình đẳng được lắng nghe nghiêm túc:“Diễn đàn Kinh tế thế giới có thể đóng vai trò rất quan trọng. Đây là diễn đàn quan trọng để chúng tôi có thể tiếp cận với những người giàu có mà chúng tôi đề cập đến trong báo cáo, những người đứng đầu các tập đoàn, các nhà lãnh đạo chính trị lớn đều ở đây. Tôi nghĩ cần có những đối thoại thực chất tại đây, để nhấn mạnh rằng không thể tiếp tục với sự bất bình đẳng kinh tế ở một quy mô đáng sợ như hiện nay”.

Tìm kiếm lối thoát cho các xung đột

Không chỉ là nơi để thảo luận các thách thức lớn đối với kinh tế thế giới và nền quản trị toàn cầu, Diễn đàn tại Davos cũng là cơ hội để tất cả các bên đối thoại về các cuộc xung đột đang có xu hướng diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới.

1 ngày trước khi WEF lần thứ 54 diễn ra (14/01), cuộc họp lần thứ 4 các Cố vấn an ninh quốc gia (NSA), đã được tổ chức tại Davos, với sự tham dự của 83 quốc gia, nhằm thảo luận công thức chấm dứt xung đột, đem lại hòa bình tại Ukraine. Theo Ngoại trưởng nước chủ nhà Thụy Sỹ, Ignazio Cassis, dù còn có những hoài nghi nhưng việc gia tăng số lượng các nước tham gia thảo luận là minh chứng cho thấy các quốc gia đều có nhu cầu tìm ra phương thức xây dựng lại niềm tin nhằm chấm dứt cuộc xung đột sắp tròn 2 năm trong hơn 1 tháng tới (24/02) tại Ukraine.

Thế giới nỗ lực hành động xây dựng lại niềm tin tại Davos - ảnh 2Chủ tịch WEF Borge Brende. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, khác với các quan điểm cứng rắn từ nhiều chính phủ phương Tây đối với Nga, Ngoại trưởng Thụy Sỹ cho rằng sẽ không có hòa bình lâu dài nếu không có tiếng nói của Nga và cộng đồng quốc tế không thể ngồi chờ đợi mà cần phải nỗ lực tìm ra các cách thức để xây dựng đối thoại giữa các bên đối địch nhau: “Bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải tìm ra cách để đưa Nga vào các thảo luận. Sẽ không có hòa bình nếu Nga không có tiếng nói. Nhưng điều đó cũng không thể đẩy chúng ta vào sự lo lắng trầm trọng hơn là nếu Nga không làm gì thì chúng ta cứ mặc kệ mọi chuyện và chờ đợi. Giải pháp thay thế là gì? Chờ đợi. Nhưng chúng ta không có quyền chờ đợi”.

Bên cạnh nỗ lực tìm giải pháp cho xung đột tại Ukraine, chủ đề vốn chi phối nhiều thảo luận tại Hội nghị WEF năm ngoái, tại Diễn đàn năm nay các cuộc khủng hoảng khác, như: xung đột tại Gaza, căng thẳng tại Biển Đỏ cũng được thảo luận nghiêm túc ở cấp độ cao nhất, nhờ sự hiện diện của hơn 30 tổ chức quốc tế trực thuộc LHQ cùng Nguyên thủ và Ngoại trưởng nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, như: Tổng thống Israel, Isaac Herzog; Thủ tướng Qatar, Mohammed bin Abdulrahman Al Thani hay Thủ tướng Lebanon, Najib Mikati.

Feedback