Thành tựu nhân quyền của Việt Nam là không thể phủ nhận

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Việt Nam đang trong quá trình ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2013-2016. Tuy nhiên, gần đây, một số cá nhân và tổ chức bảo vệ nhân quyền của người Việt ở nước ngoài lên tiếng cho rằng Việt Nam chưa xứng đáng đứng vào cơ cấu liên chính phủ của Liên hiệp quốc để xem xét về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới do còn có những vi phạm về nhân quyền trong nước. Đây là một đánh giá thiếu thực tế về thành tựu nhân quyền của Việt Nam nhằm làm giảm uy tín, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

(VOV5) - Việt Nam đang trong quá trình ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2013-2016. Tuy nhiên, gần đây, một số cá nhân và tổ chức bảo vệ nhân quyền của người Việt ở nước ngoài lên tiếng cho rằng Việt Nam chưa xứng đáng đứng vào cơ cấu liên chính phủ của Liên hiệp quốc để xem xét về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới do còn có những vi phạm về nhân quyền trong nước. Đây là một đánh giá thiếu thực tế về thành tựu nhân quyền của Việt Nam nhằm làm giảm uy tín, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.


Thành tựu nhân quyền của Việt Nam là không thể phủ nhận - ảnh 1
Ảnh minh họa internet


Trong lý lẽ của các tổ chức, cá nhân này, họ cho rằng chính quyền Việt Nam đã có các hình thức trấn áp và đe dọa những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền trong nước. Cụ thể hơn, họ nhắc đến việc một số đối tượng và một số blogger vừa bị kết án tù do vi phạm pháp luật Việt Nam và cho rằng chính quyền Việt Nam không tôn trọng nhân quyền. Họ lớn tiếng cho rằng họ “cần lên tiếng để cả thế giới này biết rằng Việt Nam không thực hiện đúng những cam kết về tôn trọng quyền con người” và kêu gọi Việt Nam trước tiên phải cải thiện thành tích nhân quyền, phóng thích tù nhân chính trị và tôn giáo để đủ tư cách ứng cử hay trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.

Trước hết cần khẳng định rằng những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam đã được cộng đồng thế giới ghi nhận bằng việc thông qua Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ về nhân quyền (UPR) của Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc tháng 9-2009. Các quốc gia đánh giá cao thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong việc phát huy và bảo vệ quyền con người. Cộng đồng thế giới đều thấy rõ chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội. Chính nhờ việc bảo đảm các quyền con người, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa ở Việt Nam đã có những bước tiến lớn, nhất là trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt ở mức cao liên tục trên 7%/năm trong hơn một thập kỷ qua, việc gắn tăng trưởng kinh tế với việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội chính là những bước thực thi có hiệu quả các chính sách vì con người của Việt Nam. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới của Việt Nam trong hơn 35 năm qua đã tạo điều kiện cho Việt Nam ngày càng bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của người dân, đặc biệt là các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa.


Do đó, những lập luận của các tổ chức, cá nhân cho rằng chính quyền Việt Nam “hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”; đánh đồng những kẻ vi phạm pháp luật bị xử lý với các “nhà hoạt động chính trị” và lu loa rằng Việt Nam không thực hiện đúng những cam kết về tôn trọng quyền con người hoặc thiếu tôn trọng nhân quyền, là không có cơ sở thực tế, không đánh lừa được ai, vì mục đích vụ lợi cho cá nhân hoặc một nhóm người. Hiến pháp, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm những hành vi lợi dụng tôn giáo, nhân quyền để gây mất ổn định chính trị-xã hội, làm tổn hại an ninh quốc gia, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Những ai vi phạm, không kể thuộc dân tộc hay tôn giáo nào, đều bị tòa án Việt Nam xét xử theo quy định của pháp luật. Đó là điều mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới này đều thực thi để bảo vệ quyền năng của luật pháp. Và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Vì vậy, ở Việt Nam không có cái gọi là “ tù nhân lương tâm”, “ tù nhân chính trị” hoặc “ tù nhân tôn giáo”, mà chỉ có những công dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật hoặc vi phạm pháp luật và bị xét xử theo đúng pháp luật mà thôi.


Điều cần thiết để xem xét về tình hình nhân quyền trong một quốc gia, trước hết phải xem Chính phủ quốc gia đó đã làm được gì cho người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn cả về vật chất và tinh thần, nhất là ở những nước nghèo hoặc đang phát triển như Việt Nam. Đó là những nội hàm rất cơ bản của nhân quyền. Thế nhưng, các tổ chức, cá nhân khi lớn tiếng cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền lại không hề làm như vậy. Một số cá nhân, mà họ tung hô là những "nhà hoạt động chính trị", “ các tù nhân tôn giáo”, “ tù nhân lương tâm”…thực chất là những kẻ vi phạm pháp luật, bị xét xử công khai theo các tội danh của Bộ Luật Hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc chính quyền các cấp có những biện pháp ngăn chặn những hành vi chống đối, hoặc tòa án xét xử những kẻ vi phạm pháp luật, không phải là vi phạm nhân quyền, mà chính là nhằm cho người dân được sống trong đất nước hòa bình, ổn định.

Nghị quyết thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ngày 15/3/2006 đã nêu rõ rằng các thành viên trong Hội đồng Nhân quyền phải đạt tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền căn bản của con người. Bằng việc kiên trì theo đuổi tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và thúc đẩy hoạt động của nhà nước pháp quyền, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo trên thực tế, cho thấy thông tin mà các tổ chức, cá nhân vu cáo Việt Nam thiếu nhân quyền là sai sự thật. Bên cạnh đó, chính sách nhất quán của Việt Nam là phấn đấu cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo vệ nhân quyền cho nhân dân các nước. Chính vì vậy, Việt Nam cần tham gia làm thành viên của Hội đồng nhân quyền để cùng các nước thực hiện quyền con người, cùng chia sẻ những kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong lĩnh vực này. Bằng những cam kết mạnh mẽ việc bảo đảm quyền con người và những kinh nghiệm trên thực tế, Việt Nam chắc chắn sẽ đảm nhiệm tốt vai trò này và sẽ có những đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng./.

 

 

Feedback