Tham dự APEC 23: Việt Nam nâng tầm đối ngoại đa phương

Thu Hiền - Thu Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Tham dự APEC 23 là hoạt động đối ngoại ưu tiên của Việt Nam trong năm 2015.
(VOV5) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm nay bắt đầu đến Manila, Philippines, tham dự các hoạt động trong Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 23 (APEC 23).


Tham dự APEC 23 là hoạt động đối ngoại ưu tiên của Việt Nam trong năm 2015, vừa nhằm tranh thủ kinh nghiệm chuẩn bị cho Năm APEC 2017 mà Việt Nam đăng cai tổ chức, vừa đóng góp thiết thực hiệu quả vào cơ chế hợp tác đa phương có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở Châu Á-Thái Bình Dương. Bài viết “Tham dự APEC 23: Việt Nam nâng tầm đối ngoại đa phương” của BTV Đài TNVN.

 

Tham dự APEC 23: Việt Nam nâng tầm đối ngoại đa phương - ảnh 1


Với chủ đề “Phát triển kinh tế đồng đều, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, APEC 23 tập trung vào 4 ưu tiên chính, gồm: đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đầu tư phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cộng đồng bền vững và tự cường. Về chủ đề của APEC năm nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho rằng: “Chủ nhà Philippines đã chọn chủ đề rất trúng cho năm APEC 2015. Đó là phát triển đồng đều và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Và bạn cũng chọn 4 ưu tiên. APEC thời gian qua đã trở thành đầu tầu thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, cũng như liên kết khu vực. Với chủ đề ưu tiên như vậy, với quan tâm chung phù hợp với cộng đồng quốc tế như vậy, tin rằng APEC 2015 sẽ đề cao hơn nữa vai trò của APEC, hỗ trợ các nền kinh tế thành viên đạt được mục tiêu”.


Với các ưu tiên trên, APEC 23 được trông đợi sẽ tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng khu vực, góp phần xây dựng cộng đồng bền vững và tự cường.


Đóng góp tích cực vào cơ chế hợp tác APEC


Trong 17 năm tham gia APEC, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của diễn đàn hợp tác này. Nổi bật là Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006 với việc đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC 18 cùng hơn 100 sự kiện, đưa ra triển vọng dài hạn của khu vực. Chương trình hành động Hà Nội về thực hiện các mục tiêu Bogor (thiết lập một khu vực thương mại tự do và đầu tư tại Châu Á-Thái Bình Dương đến 2020) và các biện pháp cải cách tổng thể đã góp phần tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC. Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với hơn 90 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực. Đặc biệt, tháng 9/2014, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực với sáng kiến về kết nối con người. Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC.


Tham gia APEC đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại hội nhập của Việt Nam. Trong thời kỳ chiến lược mới, APEC tiếp tục là một cơ chế hợp tác khu vực quan trọng đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện. Bởi APEC quy tụ hầu hết các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện hàng đầu của Việt Nam.


Một bước tiến mới trên tiến trình hợp tác APEC


Việc Việt Nam tham gia Hội nghị APEC 2015 lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của APEC 24 vào năm 2017, tham gia APEC 23 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong năm nay, nhằm triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và nâng tầm đối ngoại đa phương, nhất là ở châu Á – Thái Bình Dương. Quan trọng hơn cả là chuẩn bị thật tốt cho lần thứ hai đăng cai APEC. Đây sẽ là đóng góp quan trọng nhất của Việt Nam đối với cơ chế hợp tác đa phương quan trọng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh mới. Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho hoạt động đối ngoại trọng tâm này. Từ đầu năm, Việt Nam đã tích cực đóng góp các ý kiến, ý tưởng cho các hội nghị APEC. Các nền kinh tế thành viên ghi nhận và đánh giá tích cực các ý kiến, sáng kiến và đóng góp của Việt Nam trong các lĩnh vực ứng phó thiên tai, năng lượng, an ninh lương thực, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường quốc tế…, Đây sẽ là chất liệu, là cơ sở để tiếp tục chuẩn bị cho Năm APEC 2017. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta xác định ngay từ bây giờ đưa nội dung và những ưu tiên của Việt Nam vào cùng với xu thế chung của Hội nghị. Đặc biệt là đóng góp vào thành công của APEC 2015, thúc đẩy ưu tiên hợp tác trong APEC. Đồng thời qua hội nghị lần này, chúng ta cũng học tập, chia sẻ kinh nghiệm của các bạn về công tác tổ chức, hậu cần và các công tác khác để làm sao chuẩn bị tốt nhất cho Hội nghị cấp cao APEC 2017 diễn ra ở Việt Nam”.


Bên cạnh tranh thủ trao đổi, học hỏi thêm được rất nhiều kinh nghiệm từ chủ nhà Philippines và các nền kinh tế chủ nhà các năm trước về công tác chuẩn bị và tổ chức, tham gia APEC 23 còn là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với Philippines nói riêng, các nền kinh tế APEC nói chung, làm sâu sắc và hợp tác thực chất hơn nữa với các đối tác này. Chuyến tham dự Hội nghị cấp cao APEC 23 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một bước tiến mới trên tiến trình hợp tác APEC, khẳng định vai trò của Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong APEC, vì mục tiêu xây dựng một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phát triển bền vững.

Feedback