Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, sáng nay (23/20), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bật phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong năm tới.
Cùng với đó là một loạt giải pháp trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai thực hiện. Báo cáo thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam dồn lực cho tăng trưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến nhanh, nhiều thách thức hơn so với dự báo, kinh tế Việt Nam vừa chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài, cùng bất cập nội tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn...
Kinh tế phục hồi nhanh, vị thế của Việt Nam được nâng cao
Với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tê.
Kết quả là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu 22 tỉ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Giải ngân vốn đầu tư công đến tháng 9 cao hơn 4,68% so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt khoảng 16 tỉ USD, tăng 2,2%.
Bội chi ngân sách và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo. Trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỉ đồng (23,5 tỷ USD), bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026. Với những kết quả đó, người đứng đầu Chính phủ cho biết:
"Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỉ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới."
Cùng với việc điều hành các vấn đề trong nước, Việt Nam cũng rất chú trọng lĩnh vực đối ngoại. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định:
"Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng có tính lịch sử, tạo thời cơ, vận hội mới, để phát triển đất nước và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 05 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20; góp phần duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."
Năm 2024: vượt qua khó khăn, dồn lực cho tăng trưởng
Tuy vậy, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận tăng trưởng GDP năm nay (dự kiến trên 5%) chưa đạt mục tiêu đề ra (6,5%), ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo...
Hơn nữa, năm 2024, nền kinh tế Việt Nam dự báo vẫn chịu tác động tiêu cực kép, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu năm sau GDP tăng 6-6,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD và lạm phát bình quân khoảng 4-4,5%.....
Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, mở rộng hợp lý chính sách tài khóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên... Cùng với đó, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng...
"Hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng; đồng thời, thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng… Kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng."
Trong an sinh xã hội, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả; tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng…
Về chống biến đối khí hậu, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: "Quyết liệt triển khai Chương trình hành động thực hiện các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) và Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP); đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen; hoàn thành khảo sát, đánh giá năng lượng tái tạo ngoài khơi."
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế. Đẩy mạnh quan hệ song phương, đa phương thực chất, hiệu quả; thúc đẩy ngoại giao văn hóa, giao lưu nhân dân; làm tốt công tác thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.