Tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển

Chia sẻ
(VOV5) - Tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển là nội dung trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp đầu năm 2019. 

Đài Tiếng nói Việt Nam trích giới thiệu nội dung cuộc trả lời phỏng vấn của nhà lãnh đạo Việt Nam.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định vui mừng và tự hào về những kết quả quan trọng, toàn diện mà đất nước đạt được trong năm 2018 và cho rằng những kết quả đó không chỉ cho Việt Nam thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho đất nước tiếp tục phát triển, đổi mới và hội nhập thành công.

Tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển - ảnh 1

Sự chuyển động đồng bộ, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế xã hội

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, năm 2018, Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP đạt mức cao hơn 7%, quy mô GDP hơn 245 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 2.580 USD. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Xuất khẩu tiếp tục tăng và xuất siêu đạt mức kỷ lục, hơn 7 tỉ USD. Phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy, với hơn 132.000 doanh nghiệp thành lập mới. Ngành du lịch đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, những kết quả đạt được là rất quan trọng, góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước, củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động và trách nhiệm tích cực của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, năm 2019 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng đồng thời với nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Có rất nhiều việc phải tiếp tục làm và làm tốt hơn, nhưng trước mắt phải tạo chuyển biến rõ nét hơn trong cải cách hành chính, tháo gỡ một cách thực chất những ách tắc, rào cản đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, phải quan tâm hơn nữa việc xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách phát triển. Và nhiệm vụ luôn được đặc biệt coi trọng, có ý nghĩa "then chốt", đó là phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phải lựa chọn, bố trí được những cán bộ có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thực sự vì nước, vì dân vào những vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ, nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là bước cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; khẳng định vai trò, vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương và trên trường quốc tế.Thông qua việc tham gia CPTPP, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn để thâm nhập thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu người tiêu dùng, chiếm 13,5% GDP toàn cầu, trong đó bao gồm những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Canada, Australia... Việc thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ góp phần giúp Việt Nam tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và công nghệ tiên tiến. Tham gia CPTPP còn giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, việc triển khai CPTPP sẽ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định một không khí phấn khởi, tin tưởng đang lan tỏa trong xã hội, trong nhân dân trong những ngày đầu năm này. Đây là điều rất có ý nghĩa. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, với những thành tựu và kinh nghiệm đã có được, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, tin tưởng của toàn dân là nguồn động lực to lớn, là nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019 và những năm tiếp theo

Feedback