Tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội

Trang, Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việc bầu được các đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm sẽ góp phần vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Nhà nước.

Ngày 23/5, tại Việt Nam, sẽ diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Để đảm bảo số lượng và chất lượng của ứng cử viên là người dân tộc thiểu số trong Quốc hội khóa XV, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các ứng cử viên trong quá trình ứng cử cũng như phát huy năng lực trong vận động bầu cử.

Chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đặt trong chiến lược phát triển quốc gia và bảo đảm tính hội nhập và phát triển, vì vậy bên cạnh đáp ứng được nhiều đại biểu người dân tộc thiểu số ở các dân tộc khác nhau thì điều quan trọng vẫn là đảm bảo chất lượng đại biểu. Hai vấn đề này cùng được chú trọng trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV.
Tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội - ảnh 1Ông Quàng Văn Hương, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội (giữa). Ảnh: quochoi.vn

Đảm bảo số lượng đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Quốc hội khóa XV

Quốc hội khóa XV đặt mục tiêu có khoảng 18% đại biểu là người dân tộc thiểu số. Thực tiễn cho thấy ngay từ Quốc hội khoá I, trong danh sách đại biểu trúng cử đã có 34 đại biểu người dân tộc thiểu số. Con số này tăng lên qua từng khoá Quốc hội. Quốc hội khóa II có số đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số là 56; Quốc hội khóa III có 60; Quốc hội khóa IV có 73, ...đến khóa XIV có 86 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khóa I đến khóa XIV, đã có 49/53 đồng bào dân tộc thiểu số có đại biểu tham gia Quốc hội.

 Tỷ lệ đại biểu Quốc hội người dân tộc tiếp tục được quan tâm trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV nhằm tiếp tục đảm bảo sự bình đẳng giữa các dân tộc. Một mục tiêu nữa được đưa ra trong cơ cấu đại biểu dân tộc thiểu số nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV là phấn đấu có đại diện của 4 dân tộc thiểu số rất ít người chưa có đại biểu trong 14 khoá Quốc hội là các dân tộc Ơ Đu, Rơ Măm, Lự, Ngái. Ông Quàng Văn Hương, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, nêu ý kiến: “Tỷ lệ 18% đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số so với gần 15% đồng bào dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số để làm sao có đủ đại diện cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong Quốc hội. Chúng ta có thể đạt được nếu có sự chuẩn bị kỹ về nhân sự cho quy hoạch và chọn ra những ứng viên thực sự xuất sắc, tiêu biểu. Khi đưa ra bầu thì sẽ thuyết phục được cử tri”.

Tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội - ảnh 2Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh. Ảnh: quochoi.vn

Chú trọng chất lượng

Việc bầu được các đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số thực sự có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm sẽ góp phần vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, để nâng cao chất lượng đại biểu, cần tạo môi trường thuận lợi giúp các ứng cử viên thể hiện được hành động của mình, nhận được sự tín nhiệm của cử tri. Và cuối tháng 4 vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Hội đồng dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội nghị tập huấn Kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số lần đầu tham gia ứng cử. Các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, đến từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam và miền Trung - Tây nguyên tham dự sự kiện này.

Chia sẻ về việc lựa chọn đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội khoá XV, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho rằng, ngoài việc đào tạo bồi dưỡng thường xuyên đối với các đại biểu Quốc hội ở các lĩnh vực khác nhau thì cần giúp họ có kỹ năng phương pháp giám sát thực tiễn đầy đủ hơn, đúng các nội dung cần đạt tới trong các lĩnh vực khác nhau bởi việc giám sát của đại biểu dân tộc thiểu số tập hợp được nhu cầu thực tiễn và cả những thay đổi cần có để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho rằng: “Việc nhìn nhận đầy đủ, chính xác những người được tín nhiệm trong cộng đồng là rất cần thiết. Thứ 2 là có môi trường để chính đại biểu này thể hiện được mình, thể hiện từ tiếng nói, từ khát khao hành động của mình”.

Đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho một dân tộc, một vùng mà còn là đại diện cho cử tri cả nước. Quốc hội không chỉ tham gia vào quyết định chính sách dân tộc mà quyết định tất cả các vấn đề quan trọng của đất nước. Vì vậy việc tạo điều kiện thuận lợi cho để đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội, đảm bảo cơ cấu và chất lượng sẽ góp phần xây dựng chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của từng vùng nói riêng và của cả nước nói chung.

Feedback