(VOV5) - Bên cạnh các mặt hàng chủ lực, xuất khẩu trái cây Việt Nam năm 2016 đã đánh dấu mốc tăng trưởng lớn, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Đặc biệt, sau nhiều năm, mặt hàng trái cây thực sự thâm nhập được một số thị trường “khó tính” trên thế giới và vươn lên thành mặt hàng xuất khẩu ấn tượng trong năm 2016, tạo cú hích cho mặt hàng này chiếm lĩnh thị trường nhiều hơn trong thời gian tới.
Năm 2016, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn với diễn biến suy giảm mạnh cả về cung và cầu trên thị trường, song kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ xu hướng tăng, trong đó mặt hàng trái cây là nhóm hàng có sự tăng trưởng tốt nhất về giá trị xuất khẩu.
Sự bứt phá ngoạn mục
Tháng 6/2016, sau chặng đường dài đằng đẵng 12 năm đàm phán, lô vải thiều Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu vào thị trường Australia, quốc gia có tiêu chuẩn kiểm dịch nghiêm ngặt nhất thế giới đối với các hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là đối với hàng nông sản, thực phẩm. Vải thiều Việt Nam đã được thị trường Australia đón nhận. Vải thiều không chỉ thu hút được sự quan tâm của người Việt tại Australia mà thu hút cả người dân nước sở tại. Theo báo cáo từ Thương vụ Australia, trong vòng 1h đầu tiên xuất hiện ở Melboune, đã có hơn 300kg vải thiều được tiêu thụ với giá 14,99 đô la Úc/kg, tương đương 220 nghìn đồng Việt Nam. Và những ngày tiếp theo đó đã có tới 30 tấn vải Thanh Hà, Lục Ngạn đã đến với Melboune, Sydney và nhiều thành phố khác của Australia. Không giấu được niềm phấn khởi, Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị chia sẻ: Thị trường Australia là một thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng kiểm dịch cũng như an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn khác rất cao. Khi hàng hóa của Việt Nam đã vào được thị trường Australia thì đây sẽ là cú hích để mở rộng cho hàng hóa, nhất là hàng nông sản Việt Nam, thâm nhập vào các thị trường khác.
|
Quảng bá các sản phẩm nông sản của Việt Nam tại Séc |
Tiếp nối thành công từ việc trái vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường Australia, trái vú sữa Việt Nam cũng chính thức được Mỹ cấp giấy phép nhập khẩu kể từ quí IV/2016. Không chỉ vậy, sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa thì dự kiến xoài sẽ tiếp tục diện kiến thị trường Mỹ. Điều đáng mừng hơn cả là không chỉ với Mỹ mà ngay cả tại nhiều thị trường khác nữa, trái cây Việt Nam cũng đã bắt đầu chinh phục và thâm nhập sâu rộng vào các thị trường như New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Malaysia...
Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Phạm Cao Phong cho biết Malaysia là một thị trường rất gần với Việt Nam và có đông cộng đồng người Việt Nam lao động và học tập, song trái cây Việt Nam cũng không dễ tiếp cận. Bởi là một quốc gia hồi giáo, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho người theo đạo Hồi cũng khắt khe, đều phải đạt được chứng nhận Halal (một loại chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm của người Hồi giáo). Thêm vào đó, người Malaysia không phải lúc nào cũng mở lòng đối với các sản phẩm không phải của họ. Chính vì vậy, Đại sứ Phạm Cao Phong và những người đồng sự của ông đã phải tìm cách tiếp cận “ngoại giao trái cây” bằng việc mời các quan chức nước sở tại ăn thử:
|
Trái cây Việt được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho ngành nông nghiệp nước nhà. (Ảnh minh họa: baotintuc.vn) |
Qủa vải thiều của chúng ta ngon hơn, ngọt hơn, đấy là những ưu thế để ta so sánh với các loại hoa quả khác của họ trên thị trường. Chúng ta biếu cho người ta ăn thử và đến khi người ta mê rồi thì chúng ta không cần nói nhiều nữa và họ sẽ dễ dàng tiếp nhận
Xây dựng thương hiệu lâu dài
Để xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng lâu dài tại các thị trường khó tính cho trái cây Việt Nam, thời gian qua đã có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp và người trồng trong việc quy hoạch vùng trồng, xây dựng các cơ sở bảo quản, đóng gói, vận chuyển và chiếu xạ đạt tiêu chuẩn nhằm nâng cao sức cạnh tranh, nhất là về giá và chất lượng, đảm bảo có lợi nhất cho người trồng và các doanh nghiệp. Ông Hoàng Huy Khánh, Công ty Dalat Import, đơn vị xuất khẩu trái cây từ Việt Nam sang Australia, cho rằng: Để cho trái vải nói riêng, nông sản của Việt Nam nói chung có thể vào những thị trường mà mình gọi là những nước khó tính thì cần phải quan tâm đến cả quá trình, từ dưới người nông dân đến Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, theo đúng quy trình Globalgap. Các nhà xuất khẩu thì phải chú trọng đến tiêu chuẩn sản phẩm của nước nhập khẩu.
Sau bao nhiêu năm nỗ lực đàm phán, cuối cùng quả vải, quả xoài Việt Nam đã tiếp cận được các thị trường khó tính và được đón nhận một cách thân thiện. Một khi đã được phía bạn chấp nhận, thì quả vải, hay quả thanh long, quả xoài đều trở thành những “đại sứ” kết nối Việt Nam với thế giới, kết nối Việt Nam với kiều bào. Thành quả này tạo thêm động lực mới để Việt Nam tiếp tục đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong năm 2017 và những năm tiếp theo.