Tăng năng suất lao động - Đòn bẩy cho sự phát triển bền vững

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Vấn đề được các bên tập trung đối thoại là thực trạng và giải pháp cho việc tăng năng suất lao động tại Việt Nam.

Đã thành thông lệ, tháng cuối năm là dịp để Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển cùng ngồi lại với nhau để đối thoại chính sách, nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp cho sự phát triển của Việt Nam.

Tăng năng suất lao động - Đòn bẩy cho sự phát triển bền vững  - ảnh 1Quang cảnh diễn đàn - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm nay (VDF2017), diễn ra ngày 13/12, vấn đề được các bên tập trung đối thoại là thực trạng và giải pháp cho việc tăng năng suất lao động tại Việt Nam, yếu tố quan trọng để Việt Nam phát triển.

Từ năm 2010, Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình. Thành quả phát triển này đồng thời cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức mới, đó là vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nước đã gặp phải, đồng thời tránh nguy cơ tụt hậu. Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội cho Việt nam nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức cho Việt Nam, thì tăng năng suất chính là chìa khóa đưa Việt Nam đến tăng trưởng bền vững.

Tăng năng suất - Một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam

Năng suất lao động là chỉ số chính của thị trường lao động, phản ánh tăng trưởng kinh tế bền vững, khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong sử dụng lao động của mỗi quốc gia. Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt, khoảng 5,3% so với năm 2015, đồng thời tốc độ tăng này cũng tốt hơn so với những năm trước đây. Với tốc độ tăng này, các chuyên gia hy vọng năm 2017, năng suất lao động tại Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt. Mặc dù vậy xét về khoảng cách với các nước trong khu vực thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp.

Chỉ ra các điểm mạnh của lao động Việt Nam có thể cạnh tranh với lao động các nước khác trong khu vực, ông Simon Matthews, Giám đốc ManPower Group tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, cho rằng: "Tôi nghĩ Việt Nam có một lực lượng lao động đông đảo. Đây là điều tích cực. Người lao động Việt Nam chăm chỉ, nhiệt tình, tận tâm. Đây là những phẩm chất tốt của lao động Việt Nam. Tôi nghĩ nếu cần thay đổi, chúng ta chỉ cần tập trung phát triển kỹ năng lao động. Tôi nghĩ các doanh nghiệp thật sự cần bắt đầu tập trung ngay từ bây giờ vào tăng năng suất lao động, kỹ năng và đẩy mạnh thực hiện sớm."

Tăng năng suất lao động - Đòn bẩy cho sự phát triển bền vững  - ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: quochoi.vn

Các chuyên gia đều nhất trí cho rằng tăng năng suất là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh Việt Nam hiện nay và cũng đang là một thách thức với Việt Nam. Trong phát biểu tại VDF 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết: “Nhận thức được tầm quan trong của việc tăng năng suất, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, vừa qua cũng nhấn mạnh tới nội dung nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp."

Giải quyết những vấn đề cốt lõi

Giải quyết thách thức về năng suất lao động trong bối cảnh hiện nay là bài toán đặt ra với Việt Nam để có thể phát triển một cách bền vững. Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam còn rất nhiều dư địa để có thể tăng hiệu suất ở các ngành kinh tế như nâng cao hiệu suất năng lượng trong công nghiệp, nâng cao hay đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nông nghiệp và phát triển doanh nông, thiết lập hệ thống giao thông và logistic kết nối hiệu qủa hơn... Tuy nhiên, việc vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trí đóng vai trò tối quan trọng để cải thiện năng suất của Việt Nam.

Cùng với đó, cần có những liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để Việt Nam có thể vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng suất của Việt Nam.  

Ông Ousmane Dione cho rằng: "Chúng ta cũng thấy được tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng và đổi mới sáng tạo trong quán trình tìm kiếm giải pháp để tăng năng suất của Việt Nam. Việt Nam đã làm tốt trong giáo dục phổ thông, tuy nhiên, cũng cần phải tập hợp kỹ năng và kiến thức mới để đóng góp cho tăng trưởng năng suất. Chúng ta phải có những thể chế thị trường lao động tốt hơn cũng như có những cơ sở giáo dục đại học tốt hơn để đảm bảo kỹ năng cao hơn và trình độ lao động cao hơn của người lao động."

Bên cạnh đó, ông Ousmane Dione cũng cho rằng những cái cách nhằm tăng cường và phát triển các thể chế thị trường hiệu quả cần được đẩy mạnh để đạt tăng trưởng năng suất cao hơn. Điều này bao gồm phải tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt gánh nặng chi phí. Cải thiện phân bổ nguồn lực, đây cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể phân bổ nguồn lực sản xuất trong thị trường vốn và thị trường đất đai hiệu quả hơn. Điều này sẽ giúp Việt Nam đảm bảo rằng nguồn lực được sử dụng cho những mục đích hiệu quả nhất.

Feedback