Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam – Mông Cổ

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 1-5/11. 

Chuyến thăm là dịp để hai nước trao đổi những phương hướng và biện pháp thiết thực, hiệu quả, duy trì mối quan hệ chính trị và  thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.

Việt Nam và Mông Cổ có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Mông Cổ coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Về phần mình, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị hợp tác với nước bạn Mông Cổ, coi Mông Cổ là đối tác quan trọng ở châu Á. Những năm gần đây, hai bên duy trì thường xuyên hoạt động trao đổi đoàn cấp cao cũng, như: các cấp, các bộ, ngành, tổ chức hữu nghị.

Việt Nam và Mông Cổ đang chuẩn bị nhiều hoạt động để kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954-17/11/2024).

Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam – Mông Cổ - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp song phương với Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai. Ảnh: Vũ Khuyên/VOV

Nền tảng mối quan hệ tốt đẹp

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954), Mông Cổ là một trong những nước bạn bè luôn sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc giành độc lập dân tộc. Kể từ năm 1979 đến nay, Việt Nam-Mông Cổ đã tiến hành 15 kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, thúc đẩy hợp tác song phương phát triển. Cụ thể, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định về văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật.

Năm 2009, hai nước phối hợp đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai trương Trung tâm Văn hóa Hồ Chí Minh tại trường Trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Ulanbator. Năm 2013, Việt Nam và Mông Cổ phối hợp cùng sản xuất bộ phim “Cuộc sống như một bộ phim” của Mông Cổ với các cảnh quay tại Việt Nam và được trình chiếu rộng rãi tại Mông Cổ và Việt Nam. Năm 2014, phía Mông Cổ cử đoàn nghệ thuật tham gia Festival Huế. Cũng trong năm 2014, hai bên kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Về giáo dục, đào tạo, trao đổi sinh viên được thực hiện từ những năm 60 và hằng năm, hai bên đều nhận đào tạo sinh viên của nhau. Tuy nhiên, trong hợp tác kinh tế và thương mại, kết quả còn chưa như mong muốn. Việt Nam là cửa ngõ giúp hàng hóa Mông Cổ vào thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng cho đến nay, kim ngạch thương mại hai nước mới chỉ đạt mức khiêm tốn, dù ghi nhận có sự tăng trưởng. Năm 2021, thương mại giữa hai nước đạt 81 triệu USD, năm 2022 là 85 triệu USD và 9 tháng đầu năm nay đạt khoảng hơn 65 triệu USD. Một trong những hạn chế là do hai nước chưa có đường bay trực tiếp.

Nhiều tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Mông Cổ

Việt Nam và Mông Cổ đang chuẩn bị nhiều hoạt động để kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954-17/11/2024). Trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn thời gian qua, cả hai bên đều mong muốn thúc đẩy và mở rộng hợp tác giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ tháng 6 năm nay, các sản phẩm nông sản và thịt gia súc của Mông Cổ đã được xuất đi nhiều nước. Ví dụ, thịt ngựa bắt đầu được xuất sang thị trường Nhật Bản, thịt cừu sang thị trường Ai Cập, dê nguyên con sang thị trường Trung Quốc. Mông Cổ cũng đang nhập khẩu sản phẩm thịt gà, gạo của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam và Mông Cổ đều nhất trí tăng cường hợp tác, tháo gỡ những vướng mắc, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau.

Ngoài ra, Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp, trong khi Mông Cổ có nhiều nguyên liệu thảo dược quý hiếm có thể hợp tác cùng các doanh nghiệp sản xuất thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng. Du lịch cũng là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước. Hiện nay, có khoảng 18 nghìn khách Việt Nam đi du lịch Mông Cổ, ở chiều ngược lại, phía Mông Cổ cũng đang đặt mục tiêu đưa hơn 1800 khách du lịch từ Mông Cổ sang Việt Nam. Ngoài lĩnh vực nông sản và du lịch, kim ngạch hợp tác giữa hai bên có thể phát triển hơn nữa nhờ đẩy mạnh hợp tác một số lĩnh vực khác, như: sản xuất vaccine cho gia súc, gia cầm, dịch vụ hàng không...

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ nhằm cụ thể hóa các tiềm năng của hai bên, là khởi đầu mới cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, Liên đoàn công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Đại sứ quán, Phòng Thương mại và Công nghiệp Mông Cổ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy quan hệ đầu tư, xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể, tìm hiểu thông tin thị trường, cơ hội đầu tư..., từ đó góp phần gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh lần này góp phần thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực, đưa quan hệ Việt Nam-Mông Cổ hiệu quả, thực chất hơn trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tương xứng với quan hệ hữu nghị truyền thống.

Feedback