(VOV5)- Chuyến thăm của Tổng thống Hungary Áder János được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc triển khai hiệu quả các dự án hợp tác giữa hai nước.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Hungary Áder János, phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Hunggary tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ 27 - 28/11/2014. Chuyến thăm của Tổng thống Cộng hòa Hungary nhằm củng cố thêm một bước quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Hungary, trao đổi thêm nhiều biện pháp tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa hai nước thời gian tới.
Tổng thống Hungary Asder János.
Nằm ở Trung Âu, GDP của Hungary đạt khoảng 197 tỷ USD/năm, thu nhập bình quân đầu người gần 20 nghìn USD. Ngay từ những năm 60, Hungary đã tìm cách tự do hóa nền kinh tế và từ năm 1990 đã chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường. Từ năm 1997, nền kinh tế đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, GDP tăng trưởng 4 - 5%/năm. Về đối ngoại, hiện nay Hungary tiếp tục ưu tiên hội nhập sâu vào Liên minh Châu Âu (EU), củng cố quan hệ với các nước láng giềng và khu vực; ưu tiên ngoại giao năng lượng, khôi phục và thúc đẩy quan hệ với các đối tác truyền thống ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những ưu tiên ở Đông Nam Á của Hungary hiện nay. Hungary cũng coi trọng việc phát triển quan hệ với các nước châu Á, nhất là với các nền kinh tế mới nổi, coi việc mở rộng hợp tác với Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược mở về hướng Đông của mình.
Bề dày truyền thống quan hệ hợp tác hơn 6 thập kỷ qua
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Hungary có bề dày lịch sử gần 65 năm. Hungary đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong phong trào "Việt Nam, chúng tôi bên cạnh các bạn", Hungary tổ chức nhiều đợt hiến máu và quyên góp vật chất giúp đỡ Việt Nam. Hungary cũng là thành viên tham gia Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam, đào tạo cho Việt Nam gần 3.500 cán bộ khoa học kỹ thuật và xoá cho Việt Nam các khoản nợ từ năm 1973 về trước. Sau khi Hungary thay đổi chế độ chính trị, trong những năm đầu thập kỷ 1990, quan hệ hai nước tuy có bị giảm sút nhưng từ năm 1992, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống dần được phục hồi.
Hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước có những tiến triển tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 148 triệu USD. Tính đến tháng 8/2014, kim ngạch song phương đạt 113,5 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là: thiết bị điện, điện tử, đồ gỗ, thiết bị phụ tùng máy bơm, máy nén, quạt gió, thủy sản...; nhập khẩu: tân dược, máy móc, phụ tùng, hóa chất, thức ăn gia súc. Hiện nay, Hungary có 12 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 47,3 triệu USD; trong đó nổi bật là Dự án Công ty TNHH Crest Asia Việt Nam thực hiện từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, sản xuất đa thành phẩm, da thô mộc và các sản phẩm từ da. Dự án Công ty TNHH phát triển White Stone thực hiện từ năm 2009, tổng vốn đầu tư 2 triệu USD thuộc lĩnh vực bất động sản. Dự án Công ty TNHH Amdocs Việt Nam thực hiện từ năm 2009 với tổng vốn đầu tư 2 triệu USD thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông...
Về hợp tác phát triển, Hungary coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của mình. Từ năm 2004, chương trình ODA đã bắt đầu được triển khai với dự án nuôi cá nước ngọt và một số đoàn của Việt Nam sang Hungary trao đổi kinh nghiệm. Năm 2005, Hungary viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 600.000 USD, năm 2006 là 110.000 USD (Dự án Phát triển nghề may xuất khẩu các sản phẩm da cá sấu). Nguồn vốn cam kết ODA của Hungary dành cho Việt Nam tăng đều qua các năm. Hai nước cũng đã ký Hiệp định về hợp tác văn hóa vào tháng 3/2013, tạo cơ sở tăng cường hợp tác trên lĩnh vực này. Giáo dục đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước. Phía Hungary giúp đào tạo chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Bên cạnh đó, Hungary đánh giá cao và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt tại Hungary hòa nhập sở tại. Là cầu nối hữu nghị trong quan hệ hai nước, cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hiện có khoảng trên 4.000 người.
Chuyến thăm tạo động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hungary
Trải qua thử thách của thời gian, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Hungary những năm qua phát triển tốt đẹp, đặc biệt là quan hệ chính trị thông qua trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Gần đây nhất là chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hungary. Chuyến thăm đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho hai nước trên nhiều lĩnh vực. Trong chính sách hướng Đông của mình, Hungary đánh giá cao và đặc biệt quan tâm tăng cường quan hệ với Việt Nam.
Mặc dù quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam-Hungary phát triển hết sức tốt đẹp trong những năm gần đây, nhưng so với tiềm năng của cả hai nước, những kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Do vậy, mở rộng mọi lĩnh vực hợp tác, đem lại lợi ích cho cả hai bên là mong muốn của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Hungary. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hungary Áder János được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc triển khai hiệu quả các dự án hợp tác giữa hai nước, đồng tời khuyến khích doanh nghiệp hai nước tiếp cận, tìm hiểu tiềm năng, nhu cầu của nhau và trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.