Tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội thông qua hoạt động chất vấn

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc cơ bản chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận để làm rõ thêm nội dung chất vấn.

Sau ba ngày làm việc tích cực và trách nhiệm, chiều 6/6, Quốc hội kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn đều là những vấn đề kinh tế - xã hội lớn, quan trọng đã  được đông đảo các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cũng như dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm, qua đó nâng cao trách nhiệm của các đại biểu cũng như chức năng giám sát của Quốc hội.

Tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội thông qua hoạt động chất vấn - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn - Ảnh: quochoi 

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã chất vấn các nội dung liên quan đến bốn lĩnh vực: giao thông, vận tải, tài nguyên và môi trường, lao động, thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo. Các Bộ trưởng phục trách các lĩnh vực chất vấn cùng các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng và các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tham gia báo cáo, giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đổi mới để nâng cao chất lượng chất vấn

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Điểm mới nổi bật tại phiên chất vấn lần này là thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút. Việc cải tiến, đổi mới này nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội. Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết: “Bám sát vào mong muốn của cử tri cả nước là mong Quốc hội đổi mới nhưng gắn với hơi thở cuộc sống, gắn với mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Vì vậy đầu tiên là việc lựa chọn đối tượng chất vấn và chủ đề của các phiên chất vấn. Cách thức chất vấn đã được thí điểm qua phiên chất vấn của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội đáp ứng được mong muốn của người hỏi và cử tri đang theo câu hỏi đó”.

Tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội thông qua hoạt động chất vấn - ảnh 2Phiên chất vấn ngày 6/6/2018 - Ảnh quochoi

Đại biểu Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Tại các phiên chất vấn đã có hơn 250 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời hầu hết tất cả các câu hỏi đặt ra và mặc dù Quốc hội đã dành 3 ngày để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nhưng vẫn còn nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi mà chưa đủ thời gian để trả lời trực tiếp tại hội trường và các thành viên Chính phủ sẽ trả lời bằng văn bản sau. Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc cơ bản chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận để làm rõ thêm nội dung chất vấn. Các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nắm chắc tình hình thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, đã trả lời thẳng thắn và giải trình rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình và cam kết khắc phục những hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ  luật, kỷ cương quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của các ngành trong việc trả lời chất vấn, trong sự chỉ đạo, điều hành, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên, một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đạt yêu cầu như mong đợi. Do vậy cần có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo sự chuyển biến thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân: “Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy Quốc hội, các đại biểu Quốc hội không chỉ nêu ra những hạn chế, bất cập mà còn thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay, sát cánh cùng Chính phủ, với các bộ ngành, địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Trong những vấn đề Quốc hội, cử tri yêu cầu có nội dung liên quan đến công tác quản lý, điều hành có thể chấn chỉnh, triển khai ngay, nhưng cũng có những nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần xem xét, sửa đổi chính sách pháp luật để triển khai một cách đồng bộ mới có hiệu quả”.

Sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ 5 để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện. Đồng thời Chính phủ, các bộ, ngành sẽ nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp.

Feedback