Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 21/2/2019 đã chủ trì hội nghị của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2019 tại Hà Nội. Theo đó, trong năm nay, Chính phủ thực hiện phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” trong cải cách hành chính, nhằm đưa Việt Nam vào top đầu ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: chinhphu.vn
|
Những năm qua, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ đặc biệt chú trọng, với những chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Đến nay, bức tranh cải cách hành chính tại Việt Nam đã đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng, được người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Những thành công đó đã và đang ngày càng lan tỏa, thổi bùng lên “ngọn lửa” cải cách sâu rộng từ các cấp Trung ương cho tới địa phương
Mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân Việt Nam tăng 29 bậc
Chính phủ Việt Nam tích cực và quyết liệt trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua việc ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng tâm. Chính phủ cũng kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ để nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính. Bức tranh cải cách hành chính đã tạo được nhiều dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, đầu tư, kinh doanh, thuế, kho bạc, hải quan... Việc xây dựng chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính đã được thực thi để nâng cao hiệu quả của cải cách hành chính.Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định:Việc xây dựng chính phủ điện tử phải gắn liền trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả. Do vậy Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch, trực tiếp chỉ đạo các thành viên khác của Ủy ban là các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng Bộ liên quan, đồng thời có sự tham gia của khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công tư trong triển khai nhiệm vụ này.
Ảnh minh họa (TTXVN) |
Hiện Việt Nam đã có 39 địa phương đã xây dựng và triển khai mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và áp dụng công nghệ thông tin để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Trong nửa cuối năm 2018, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát trên 30 nghìn phiếu người dân và doanh nghiệp, phục vụ cho việc xác định Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS). Kết quả cho thấy mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân Việt Nam tăng 29 bậc trong năm 2018.
Thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội
Năm 2019, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ cải cách hành chính và có sự chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ngay từ đầu năm. Trong các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ được ban hành ngay trong ngày đầu năm đã nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ về cải cách hành chính. Về phía các địa phương, thành phố Hà Nội đã đặt mục tiêu 80% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cung cấp dịch vụ trực tuyến. Thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên triển khai qui trình “3 trong 1” khi giải quyết 3 loại giấy tờ một lần gồm giấy khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ 6 tuổi.Về phía các Bộ, ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đơn vị điển hình với chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính. Ông Ngô Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định quan điểm xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo trong phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ.
Phương châm của Chính phủ trong năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” trong cải cách hành chính. Chính phủ phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm đầu ASEAN có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất và mọi người dân, doanh nghiệp đều phát huy trí tuệ để khởi nghiệp kinh doanh. Thứ nữa là nền hành chính phục vụ nhân dân cũng sẽ tiếp tục được thực thi hiệu quả trong mọi cơ quan hành chính, kể cả đơn vị sự nghiệp công theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế của đất nước.