Tác động của kết quả bầu cử Đức tới EU

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Kết quả này không chỉ quan trọng đối với nước Đức mà còn đồng nghĩa với việc Liên minh Châu Âu (EU) sẽ gắn kết hơn về kinh tế và chính trị.

Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức ngày 24/9 với 33% phiếu bầu. Điều này đồng nghĩa với việc bà Merkel tiếp tục nắm cương vị Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4. Kết quả này không chỉ quan trọng đối với nước Đức mà còn đồng nghĩa với việc Liên minh Châu Âu (EU) sẽ gắn kết hơn về kinh tế và chính trị.

Tác động của kết quả bầu cử Đức tới EU - ảnh 1

Ứng cử viên CDU/CSU, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại một sự kiện ở Berlin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đức là nước đông dân nhất, có nền kinh tế lớn nhất trong EU, có ảnh hưởng lớn tới quyết sách phát triển của cả khối. Điều thuận lợi cho EU là tư tưởng cốt lõi của bà Angela Merkel, người đứng đầu nước Đức, là ủng hộ sự gắn kết của liên minh châu Âu.

Vai trò ngày càng quan trọng của Đức trong EU

Trong 2 thập niên qua, vai trò của Đức trong EU ngày càng rõ nét. Nước Đức nổi lên như một chủ thể trung tâm bằng việc duy trì sự ổn định. Sức mạnh kinh tế, khả năng quân sự cùng cách hành xử ngoại giao thận trọng và có trách nhiệm của Đức đang mang lại sự tin tưởng cho các nước EU.

Ở châu Âu, Đức thể hiện vai trò chính trị thông qua “cơ chế” phối hợp Đức - Pháp.  Cơ chế này là điều kiện quan trọng thúc đẩy hợp tác ở châu Âu trong thời gian dài.

Về kinh tế, Đức đóng vai trò bản lề trong việc giúp EU tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Tầm ảnh hưởng của Đức không chỉ gói gọn trong những vấn đề kinh tế và tài chính hay cải cách chính trị mà còn mở rộng sang lĩnh vực chính sách an ninh và ngoại giao. Nhờ xử lý cẩn trọng các vấn đề tị nạn, bà Merkel và EU đang dần kiểm soát tốt hơn vấn đề di cư, một thách thức nổi trội của liên minh trong thời gian qua.

Theo bản đánh giá được thực hiện hàng năm của Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR), Đức dẫn đầu trong danh sách các nước có tầm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của EU trong hai năm liên tiếp 2015 và 2016.  Cũng theo một thăm dò do ECFR thực hiện với câu hỏi nước thành viên nào được tiếp cận đầu tiên hoặc nhiều nhất trước các vấn đề của EU, dữ liệu thu được cho thấy nước đứng đầu vẫn là Đức.

Tác động của kết quả bầu cử Đức tới EU - ảnh 2

Cử tri ở thủ đô Berlin đi bỏ phiếu sớm ngày 24-9 - Ảnh: Reuters

 Merkel thắng cử: nhân tố duy trì sự ổn định cho EU

Với tư tưởng cốt lõi là ủng hộ nhập cư; ủng hộ sự gắn kết của liên minh châu Âu, phải khẳng định rằng việc bà Merkel thắng cử là yếu tố tích cực với EU.

Ở vai trò là đầu tàu của EU và ngày càng can dự tích cực vào nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, Đức cùng với Pháp đang tìm cách củng cố và làm mới EU để chống lại nguy cơ tan rã hay khủng hoảng kinh tế-tiền tệ, mà việc nước Anh rời khỏi liên minh (Brexit), cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, vấn đề tự do thương mại hay mối quan hệ với chính quyền Mỹ là những thử thách trước mắt cần phải vượt qua. Ưu tiên của bà Merkel là châu Âu cần độc lập hơn nữa về tài chính. Đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bà Merkel đã nhất trí về nguyên tắc lập quốc hội Eurozone, ngân sách chung Eurozone, tăng cường đầu tư công trong khu vực, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn trong nỗ lực cải cách. Đề xuất thiết lập Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF) cũng được Thủ tướng Đức chấp thuận nhằm tạo cho eurozon khả năng đối phó với khủng hoảng mà không bị lệ thuộc vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có trụ sở tại Washington.

Không để cho châu Âu quay trở lại chủ nghĩa dân tộc và dân túy, bà Angela Merkel muốn EU phải mạnh và an toàn. Thủ tướng Merkel từng khẳng định rằng “giai đoạn mà EU có thể tin tưởng vào những quốc gia khác gần như đã qua” và “các nước châu Âu cần phải tự gánh vác trọng trách quốc phòng của mình”. Sách trắng quốc phòng Đức năm 2016 cũng khẳng định xu hướng nước Đức sẽ đóng vai trò là “một tác nhân trung tâm tại châu Âu”.

Với những yếu tố trên, theo giới phân tích, Châu Âu đang dần xây dựng một liên minh độc lập trước các siêu cường, trong đó nhân tố đầu tàu sẽ là cặp đôi Pháp-Đức.

Tác động của kết quả bầu cử Đức tới EU - ảnh 3

Những apphich vận động bầu cử của bà Angela Merkel và ông Martin Schulz (Ảnh: AFP)

Rào cản

Nhìn về tổng thể, kết quả bầu cử Đức tác động tích cực tới EU. Tuy nhiên mọi việc không phải đã thuận lợi. Kết quả bầu cử cho thấy nước Đức đã xuất hiện nhiều chia rẽ đáng lo ngại về mặt xã hội mà có thể sẽ có tác động lâu dài. Rõ nét nhất là việc thành lập một chính phủ liên minh mới sẽ phức tạp hơn. Hiện tại, đảng Dân chủ xã hội SPD tuyên bố không tham gia liên minh với CDU-CSU để thành lập Chính phủ. Trong khi đó, bà Merkel khẳng định sẽ tìm cách đối thoại với đảng Dân chủ Tự do (FDP), đảng Xanh- đảng cánh tả truyền thống. Nhưng, đây sẽ là một liên minh phức tạp bởi giữa CDU-CSU với 2 đảng này có nhiều bất đồng liên quan đến chính sách kinh tế hay vấn đề cải cách EU. FDP chống lại các đề xuất cải cách EU gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong khi các đề xuất này dường như đang được bà Merkel ủng hộ. Rất nhiều nhà lãnh đạo EU khác cũng e dè các quan điểm cứng rắn của FDP về ngân sách, về chống chính sách tiếp nhận tị nạn. Vì thế, trong trường hợp FDP gia nhập liên minh với CDU-CSU thì chắc chắn quan điểm và cách tiếp cận của chính phủ mới ở Đức trong các vấn đề châu Âu sẽ thay đổi. Và đây không phải là điều kiện lý tưởng cho kế hoạch cải cách châu Âu của Pháp - Đức.

Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel trúng cử nhiệm kỳ thứ 4 có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của châu Âu. Tuy còn nhiều thách thức phải vượt qua nhưng với tư cách là đầu tàu của một liên minh 27 nước, Đức sẽ là mắt xích quan trọng giúp EU gắn kết hơn về kinh tế và chính trị.

Feedback