Tác động căng thẳng thương mại Nhật – Hàn lên kinh tế khu vực và toàn cầu

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -Các cuộc thảo luận giữa hai bên những ngày qua chưa đạt được kết quả cụ thể nào mà trái lại những cáo buộc hai bên dành cho nhau thêm tăng. 

Căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia Châu Á Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiếp tục có những diễn biến leo thang sau các cuộc đàm phán ngoại giao không đi tới kết quả. Hai bên đều chưa có dấu hiệu lùi bước và xung đột thương mại được giới chuyên gia cảnh báo không chỉ khiến cả hai nền kinh tế hứng chịu thiệt hại đáng tiếc mà còn ảnh hưởng đến kinh tế khu vực và toàn cầu.

Căng thẳng Hàn Quốc-Nhật Bản bắt đầu từ đầu tháng 7 khi Nhật Bản thông báo quyết định hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Điều đáng nói là quyết định của Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh hai nước tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên. Tòa án tối cao Hàn Quốc năm 2018 ra phán quyết yêu cầu Nippon Steel & Sumitomo Metal (NSSM) và Mitsubishi phải bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng ép lao động trong các nhà máy trong Thế Chiến thứ 2. Chính quyền Tokyo đã phản đối mạnh mẽ phán quyết.

Tác động căng thẳng thương mại Nhật – Hàn lên kinh tế khu vực và toàn cầu - ảnh 1Tác động của căng thẳng thương mại Nhật-Hàn lên kinh tế khu vực và thế giới
- Ảnh taichinh.vn

Chưa có dấu hiệu lùi bước

Trong diễn biến mới nhất, các cuộc thảo luận giữa hai bên những ngày qua chưa đạt được kết quả cụ thể nào mà trái lại những cáo buộc hai bên dành cho nhau thêm tăng. Seoul cho biết lấy làm tiếc về biện pháp của Tokyo, đồng thời đề nghị Nhật Bản ngay lập tức dỡ bỏ những hạn về xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao. Phía Hàn Quốc cũng bác bỏ thông tin rằng Nhật Bản đã giải thích đầy đủ hoặc thông báo trước với Seoul trước khi thực hiện quyết định hạn chế này. Trong khi đó, Tokyo khẳng định không thấy có đề nghị nào của Hàn Quốc liên quan việc rút lại lệnh hạn chế xuất khẩu.

Trước đó, Nhật Bản tuyên bố từ ngày 4/7 siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Điều đáng nói, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên. Và các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Tokyo chẳng khác nào cú đánh mạnh vào các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung  Electronics, SK Hynix và LG Electronics.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Nhật Bản thực hiện biện pháp trên nhằm gây tổn hại nền kinh tế Hàn Quốc "vì mục đích chính trị", đồng thời cho biết nước này sẽ có kế hoạch đáp trả. Một trong những màn đáp trả đầu tiên là tất cả siêu thị ở Seoul kêu gọi “không mua, không bán” các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất và một làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản đang lan tràn trên mạng xã hội Hàn Quốc.

Theo cáo buộc của Seoul, quyết định của Nhật Bản nhằm trả đũa Seoul trong vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Tokyo muốn gây khó cho các “ông lớn” công nghệ của Hàn Quốc nhằm phản đối quan điểm của Seoul trong giải quyết vấn đề đền bù cho các nạn nhân Hàn Quốc phải lao động cưỡng bức trong thời chiến. Trong khi đó, Tokyo luôn khẳng định mọi vấn đề về bồi thường thiệt hại trong thời chiến đã được hai bên dàn xếp trong Hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương ký kết năm 1965. Hiệp định này, do Chính phủ nước Mỹ đã đóng vai trò trung gian, có điều khoản Tokyo trả cho Seoul khoản tiền 300 triệu USD, tương đương 2,4 tỷ USD hiện nay. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại lập luận rằng hiệp ước này không ngăn người dân kiện các công ty Nhật Bản và phán quyết của tòa án nên được tôn trọng.

Đe dọa nguồn cung công nghệ toàn cầu

Căng thẳng ngoại giao dẫn đến các biện pháp đáp trả về kinh tế hiện nay, theo giới quan sát nhận định, có thể khiến cả hai nền kinh tế hứng chịu thiệt hại đáng tiếc và còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế khu vực và toàn cầu. lĩnh vực công nghệ toàn cầu rất yếu ớt, đang trên đà đi xuống trong hơn một năm quaHành động giới hạn xuất khẩu hóa chất dùng sản xuất mặt hàng công nghệ mà Nhật Bản vừa thực hiện có thể đe dọa đến nguồn cung điện thoại thông minh và thẻ nhớ toàn cầu.

Bởi, theo thống kê hiện Nhật Bản chiếm đến 70 - 90% tổng lượng sản xuất ba hóa chất trên của thế giới, do đó các nhà sản xuất chip Hàn Quốc sẽ rất khó tìm nguồn cung thay thế. Ngày 15/7, Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) đã kêu gọi Nhật Bản rút lại quyết định siết chặt xuất khẩu hàng công nghệ cao sang Hàn Quốc để tránh các rủi ro tiềm tàng với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang đang đà đi xuống trong vòng hơn 1 năm qua.

Lo ngại khả năng leo thang căng thẳng thương mại Nhật-Hàn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề này trong 2 ngày 23 và 24/7 tới. Hiện chưa rõ căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Châu Á tiếp tục đi tới đâu khi có thông tin Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng danh mục hạn chế xuất khẩu ngoài lĩnh vực nguyên liệu công nghệ cao

Feedback