Sự kiện 30/4/1975 mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Về bản chất, sự kiện 30/4/1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của chính nghĩa, của tinh thần tự tôn dân tộc "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Những ngày này, khi cả nước rợp bóng cờ hoa, người dân phấn khởi, tự hào  kỷ niệm 47 năm sự kiện 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thế nhưng các thế lực thù địch vẫn cố tình bơi ngược dòng lịch sử với nhiều thủ đoạn chống phá nền hòa bình quý giá và phá hoại khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Sự kiện 30/4/1975 mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc - ảnh 1Những ngày này, khi cả nước rợp bóng cờ hoa, người dân phấn khởi, tự hào kỷ niệm 47 năm sự kiện 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Báo Nhân dân

Trên một số trang mạng, tài khoản như: Việt Tân, Chân trời mới Media, BBC News Tiếng Việt, RFAVietnam, tiengdanbao... các phần tử phản động tiếp tục phát tán nhiều tin, bài xuyên tạc lịch sử, gọi Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 là “ngày quốc hận”… Một số kẻ còn lớn tiếng cho rằng: Nếu không có ngày 30/4/1975 thì miền Nam Việt Nam ngày nay phát triển không kém gì Hàn Quốc, vượt xa Thái Lan; cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt nam thực chất chỉ là "nội chiến", là chiến tranh "ủy nhiệm".  Những luận điệu đó nhằm gieo rắc sự hoài nghi, phân tâm trong dư luận xã hội, tạo "khoảng trống tư tưởng" trong nhân dân và thế hệ trẻ của Việt Nam.

Trước hết, về bản chất, sự kiện 30/4/1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của chính nghĩa, của tinh thần tự tôn dân tộc "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng cộng sản Việt Nam, từ truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam. Để giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh khốc liệt đó, hơn 3 triệu đồng bào, chiến sĩ cả nước đã ngã xuống; hàng ngàn làng mạc, thành phố đã bị san phẳng, di chứng chất độc dioxin đến nay đã chuyển sang thế hệ thứ 3, mất mát, đau thương của cả một dân tộc là không gì sánh được. Chiến thắng đó còn là cội nguồn sức mạnh, là bàn đạp cho cả dân tộc có thêm bản lĩnh, niềm tin để vượt lên mọi khó khăn, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Dù 47 năm đã qua, trước bối cảnh thế giới, khu vực biến động phức tạp, đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, các thế lực thù địch tăng cường chống phá Việt Nam trên nhiều mặt, đặc biệt là đại dịch Covid-19, nhưng với tinh thần chiến thắng 30/4/1975, đất nước vẫn vững vàng trước dịch bệnh, được dư luận quốc tế đánh giá là “ngọn hải đăng” trong phòng, chống địch. Những thành tựu trong thực hiện "mục tiêu kép" đã nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sự kiện 30/4/1975 mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc - ảnh 2Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân Giải phóng đã tiến vào dinh Tổng thống, sào huyệt cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước. Ảnh: TTXVN

Đối với thế giới, chiến thắng 30/4/1975 góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, để lại cho dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới nhiều bài học vô giá. Đó là bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, là bài học về tinh thần khát khao độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất của toàn thể dân tộc, thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ, ý chí không bao giờ khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Nên không thể có chuyện Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược là thực hiện vai trò “ủy nhiệm” của một lực lượng chính trị nào đó, càng không có chuyện đây là cuộc chiến “nồi da, nấu thịt”.

Các thế lực thù địch đòi bẻ cong lịch sử hãy nhớ rằng ngay các chính khách nổi tiếng của Hoa Kỳ đã phải thừa nhận: Một trong những nguyên nhân thất bại của họ bắt nguồn từ giới cầm quyền thời đó chưa thấy được rằng ngày nay các dân tộc mà tiên phong là dân tộc Việt Nam đã nhận thức được quyền tự quyết, về quyền lựa chọn chế độ xã hội, lựa chọn con đường phát triển của mình mà không có bất cứ một thế lực nào có thể cản trở được. Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã viết trong cuốn “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995: "Chúng ta (Mỹ) đã đánh giá sai những chủ đích địa chính trị của các đối thủ. Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh tinh thần của một dân tộc có thể huy động sự hy sinh vì đức tin về giá trị của họ. Chúng ta không được "thượng đế" ban phát cho cái quyền được nhào nặn một dân tộc khác theo cách mà chúng ta lựa chọn”. Trả lời báo chí Mỹ về chiến tranh ở Việt Nam, cựu Tổng thống G.Pho cũng phải thừa nhận thất bại, đồng thời bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần dũng cảm, kiên cường của Nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam không cho phép bất cứ ai xuyên tạc, bóp méo ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng 30/4/1975. Những kẻ cố tình bóp méo, xuyên tạc ý nghĩa lịch sử của sự kiện này chỉ là số ít, những điều họ nói, họ viết có thể lừa dối được một số người, song không thể dối lừa được cả dân tộc Việt Nam yêu nước cũng như những người có lương tri trên thế giới.

Tôn trọng và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống dân tộc, thành quả cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là lương tâm, trách nhiệm, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Chính vì vậy, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận, bôi đen truyền thống lịch sử chắc chắn sẽ bị xã hội và nhân dân lên án mạnh mẽ. Lịch sử đã trở thành chân lý được Đại hội IV của Đảng (12-1976) khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”

Feedback