Trong bối cảnh lạm phát nhiều nước tăng kỷ lục, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá, cạnh tranh chiến lược gay gắt, tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hai cuộc họp quan trọng với lãnh đạo một số bộ, ngành, với các chuyên gia trong và ngoài nước để thảo luận các giải pháp điều hành kinh tế hiệu quả. Ưu tiên số một hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Chủ động, bình tĩnh, phản ứng chính sách kịp thời
Nhìn nhận về các chính sách và giải pháp vừa qua của Chính phủ Việt Nam, tại buổi thảo luận ngày 30/7, tại Hà Nội, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam đã rất chủ động, bình tĩnh, phản ứng chính sách kịp thời, có giải pháp đúng và trúng trong điều hành. Điều này giúp Việt Nam đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hồi nhanh kinh tế sau đại dịch.
Theo bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia kinh tế cao cấp, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Việt Nam phục hồi rất mạnh mẽ và trên diện rộng, thành tích tiêm chủng xuất sắc giúp Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động. Việt Nam cũng đã dự trữ ngoại hối khá đầy đủ để triển khai các chính sách vĩ mô. IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ mức 6% trước đây lên 7%.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá kinh tế và môi trường vĩ mô tại Việt Nam khá tốt, quá trình phục hồi đi đúng hướng, nhu cầu trong nước phục hồi, ngành sản xuất trong nước tăng trưởng tốt. Bà cho rằng, thách thức hiện nay của Việt Nam là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, đòi hỏi hết sức linh hoạt và nhanh nhạy khi điều phối chính sách tài chính và tiền tệ.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: sggp.org.vn |
Vị chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tin rằng nền kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, trong đó có việc thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế, các dự án đầu tư công đang được triển khai – được đánh giá là rất phù hợp với kinh tế số, phát triển xanh, hướng tới mô hình phát triển mới bền vững hơn và mục tiêu trở thành đất nước phát triển trong vài chục năm tới.
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thống nhất cho rằng lạm phát tại Việt Nam chủ yếu là do chi phí đẩy, trong đó nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu từ tác động trên thế giới. Đây là điểm cần lưu ý khi triển khai các giải pháp, với khuyến nghị cần kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng liên quan tới giá xăng dầu, nhất là các mặt hàng giảm giá chậm so với giá xăng dầu.
Quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các cuộc họp về điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới là tuyệt đối không được chủ quan, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, sử dụng chủ động, linh hoạt và phối hợp đồng bộ giữa các công cụ chính sách để thực hiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là mục tiêu ưu tiên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo.
Theo Thủ tướng, muốn triển khai hiệu quả, Việt Nam sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá và các chính sách khác. Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả, điều hành hết sức linh hoạt, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược, thiết yếu cho sản xuất, đời sống, trong đó có xăng dầu, lương thực, thực phẩm…
Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt, sức cạnh tranh cao thì mới có thể tạo nền tảng vững chắc cho ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động của các cú sốc, biến động lớn từ bên ngoài. Do đó, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đồng thời đa dạng hóa các thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, kết nối khu vực kinh tế trong nước với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Các bộ, ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Song song với đó, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế