Trước đó, trong tuần đầu tháng 10/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII tại Hội nghị lần thứ 6, đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận và thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn |
Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.
Về điều này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay: “Chúng tôi cũng xác định đây là cơ hội rất lớn để chúng ta đánh giá lại hiện trạng phát triển trong giai đoạn vừa qua đã đạt được cái gì và chưa đạt được gì, tại sao, để tổ chức lại không gian phát triển của quốc gia một cách tổng thể, căn cơ thống nhất. Qua đó sẽ cụ thể hóa được các đường hướng phát triển của đất nước, định hình lại được không gian phát triển, lộ trình phát triển, nguồn lực phát triển của quốc gia. Từ đó chúng ta có thể vượt qua được các thách thức phải đối mặt, tranh thủ tận dụng được các cơ hội, các lợi thế tiềm năng để đất nước phát triển nhanh và bền vững.”
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia cho từng thời kỳ của Việt Nam dựa trên nguyên tắc: Không gian phát triển quốc gia được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng vùng, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nhiều tiềm năng lợi thế cho phát triển, nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao, để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, bền vững và có hiệu quả cao.
Tổ chức không gian phát triển quốc gia, các vùng lãnh thổ, các hành lang kinh tế và hệ thống đô thị phải gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; gắn kết giữa hệ thống đô thị và nông thôn; khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng vùng trời; tham gia có hiệu quả vào các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực và quốc tế; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Các nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã xác định rõ và đúng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được; và các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian phát triển theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn; định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia...
Trong quy hoạch lần này, Việt Nam tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng bảo vệ môi trường, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Việt Nam cũng phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các "đầu tàu" lôi cuốn sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây; kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.
Nhìn một cách tổng thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Quy hoạch là phải có tư duy đổi mới có tầm nhìn chiến lược mà động lực thì bắt nguồn từ sự đổi mới mà sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân sức mạnh, từ nhân dân. Tư duy đổi mới này nó đã tạo ra một là nguồn lực, hai là tạo ra động lực, tầm nhìn chiến lược là làm sao quy hoạch chỉ ra được những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội lợi thế cạnh tranh, để rồi chúng ta có giải pháp bám sát vào đấy để mà phát huy nội lực của mình bởi, nội lực là cơ bản là chiến lược lâu dài là quyết định, là quan trọng, còn nguồn lực bên ngoài là nguồn lực quan trọng và đột phá.”
Kinh nghiệm quốc tế cho hay, mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Việc lần đầu tiên Việt Nam triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được xem là bước kiến tạo mô hình, phân bổ không gian phát triển quốc gia nhằm có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng.