Quốc hội tìm giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 hôm nay lần đầu tiên được thảo luận toàn thể tại hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi cơ cấu của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, để đạt mức tăng trưởng lớn hơn trong giai đoạn tới.
(VOV5) - Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 hôm nay lần đầu tiên được thảo luận toàn thể tại hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi cơ cấu của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, để đạt mức tăng trưởng lớn hơn trong giai đoạn tới.

Quốc hội tìm giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế - ảnh 1
Ảnh minh họa

Giai đoạn 2011 - 2015 Việt Nam đã tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế theo 4 định hướng, trong đó có  thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế (tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp, tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng);tiếp tục tái cơ cấu, xây dựng và phát triển cơ cấu vùng kinh tế hợp lý. Tuy nhiên kết quả tái cơ cấu kinh tế chưa đạt như yêu cầu đặt ra.

 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế là nhằm hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.

 

Xây dựng nhiều kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2016 – 2020 được xây dựng theo 2 kịch bản: thực hiện tái cơ cấu rất quyết liệt và có nhiều đột phá (kịch bản 1) và đẩy nhanh tái cơ cấu (kịch bản 2). Cả 2 kịch bản này được nhận định là đều mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế và mô hình tăng trưởng, như làm gia tăng mạnh tốc độ tăng trưởng GDP, kìm giữ lạm phát, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, gia tăng hiệu quả đầu tư và góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế. Trong đó kịch bản tái cơ cấu quyết liệt tạo ra những kết quả rõ ràng hơn, đặc biệt trong trung hạn và dài hạn. Tại Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016 - 2020 này, các mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu được đặt ra một cách thận trọng và thực tiễn theo kịch bản 2 (kịch bản đẩy nhanh tái cơ cấu), tuy nhiên có tiếp cận kịch bản 1 (tái cơ cấu quyết liệt) ở những nội dung tái cơ cấu kinh tế có khả năng đẩy nhanh tốc độ. Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét: “Chính phủ đã đưa ra rất nhiều giải pháp trong đó đưa ra các kịch bản, tức là chúng ta đã lường trước các thách thức trong bối cảnh nền  kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, rất dễ bị tác động bởi tình hình kinh tế - xã hội thế giới. Tôi nghĩ đưa ra các kịch bản là cần thiết. Đặc biệt đề án cũng đề cập những đòn bẩy, giải pháp về huy động vốn, ngân sách nhà nước, đề cập những tác động đến nền kinh tế.”

 

Thực hiện hiệu quả 5 nội dung tái cơ cấu trọng tâm

Bản kế hoạch đưa ra 5 nội dung, bao quát toàn bộ nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu, phân công cụ thể trách nhiệm của địa phương trong 70 nhiệm vụ. Trong 5 lĩnh vực trọng tâm, có 2 lĩnh vực mới là: tái cơ cấu lại thu, chi ngân sách và nợ công để bảo đảm an toàn bền vững cho ngân sách Nhà nước. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định trong tái cơ cấu thì vấn đề tiết kiệm chi tiêu phải là quốc sách với quan điểm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế và vay trong khả năng trả nợ; phấn đấu tăng thu để tăng chi, thu không đạt thì phải giảm chi, siết chặt kỷ cương tài chính. Trong tái cơ cấu thu, chi ngân sách, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Chính phủ xác định không tăng tỷ trọng động viên ngân sách, không tăng thuế suất nhưng mở rộng cơ sở phải thu thuế. Chính phủ khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp và tăng cường quản lý thuế các cơ sở này đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp để thành lập doanh nghiệp.

 

Để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu kinh tế, ông Phùng Văn Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, đề nghị Chính phủ cần quyết liệt, sát sao hơn, đẩy mạnh nhận thức về tái cơ cấu ở các ngành, các địa phương: “Trong kế hoạch tái cơ cấu 2016- 2020, việc giám sát quá trình tái cơ cấu cần được triển khai. Tôi rất mong lần này Quốc hội sẽ ra nghị quyết riêng về tái cơ cấu. Chính phủ triển khai thực hiện dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần lưu ý đến yếu tố con người. Cử tri mong Đảng, Chính phủ quyết liệt hơn trong chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm để sự nghiệp tái cơ cấu được thành công.”

 

Ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng kế hoạch tái cơ cấu cần xác lập thêm vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình này. Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị: “Về phát triển kinh tế tư nhân, bên cạnh việc sáng tạo khởi nghiệp, Chính phủ nên ủng hộ việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Về tái cơ cấu kinh tế nhà nước, đề nghị sớm hình thành cơ quan quản lý vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để tránh thất thoát tài sản;  nên sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa cho đầu tư phát triển. Tôi cũng kiến nghị xác lập 4 động lực cho tái cơ cấu: kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, khu vực vốn đầu tư nước ngoài, nông dân.”

 

Việt Nam xây dựng kế hoạch tái cơ cấu 2016 - 2020 trong bối cảnh mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức thấp và chậm được cải thiện. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế 2016 - 2020 sẽ có tác động lớn, góp phần hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý, từng bước củng cố nội lực để phát triển bền vững.

Feedback