Đại dịch COVID- 19 đã và đang gây ra những tác động không nhỏ tới đời sống người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh đó, sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền đã từng bước giúp đồng bào ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Nâng cao nhận thức phòng chống dịch COVID-19 trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái - Ảnh: danvan.vn |
Trong bối cảnh thách thức và khó khăn do dịch bệnh COVID - 19, nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được ban hành song song với đó là việc triển khai hiệu quả đến đúng người, đúng đối tượng để đồng bào vượt qua khó khăn.
Chủ động giúp đồng bào phòng chống dịch bệnh
Trước những diễn biến của dịch COVID - 19, công tác thông tin tuyên truyền tới đồng bào dân tộc thiểu số được tiến hành với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp. Nhiều ấn phẩm báo, tạp chí tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được cung cấp cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn. Hàng trăm tin, bài liên quan đến dịch bệnh được các báo, tạp chí phản ánh. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tăng tần suất phát sóng về chủ đề phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng tiếng dân tộc thiểu số với 450 clip cổ động, 650 tin, bài thời sự, 40 chuyên đề, chuyên mục và 20 tiểu phẩm. Thông qua các hình thức tuyên truyền, các cơ quan báo chí đã giúp đồng bào nắm được diễn biến tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống để chủ động, tự giác thực hiện, góp phần không để dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhằm phát hiện sớm, truy vết kịp thời và khoanh vùng dịch, nhiều địa phương đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV -2 tại tất cả thôn/ buôn người dân tộc thiểu số. Ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết: "Một số thôn buôn đang phong tỏa thì sẽ làm xét nghiệm toàn bộ cho người dân ở trong thôn buôn đó bằng xét nghiệm RT PCR, còn những nơi chưa ghi nhận những ca bệnh thì sẽ làm giám sát xác xuất ở mỗi hộ gia đình. Tùy theo tình hình dịch tễ của địa phương thì Trung tâm kiểm soát bệnh tật sẽ phối hợp với các Trung tâm y tế để chỉ định làm test nhanh hoặc là làm xét nghiệm RT –PCR".
Cùng với việc xét nghiệm, nhiều tỉnh, thành phố tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số được tiêm vaccine phòng chống COVID-19. Ngoài ra, các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở khám chữa bệnh. Nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp khám, cấp thuốc miễn phí và trao tặng quà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Quan tâm đến đồng bào dân tộc thiếu số mắc COVID – 19
Do nhu cầu của cuộc sống, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số rời quê hương để đi tìm việc làm ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo báo cáo ban đầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Ủy ban Dân tộc, tính từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/9, có hơn 3.300 người dân tộc thiểu số mắc COVID-19. Trước thực tế trên, đầu tháng 9/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh quyết định hỗ trợ 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và học sinh Trường dự bị Đại học tại thành phố Hồ Chí Minh bị nhiễm COVID-19, với tổng số tiền đợt 1 là 470 triệu đồng.
Uỷ ban chuẩn bị hỗ trợ đợt 2 cho tất cả đồng bào dân tộc thiểu số mắc COVID - 19. Như vậy, đến đợt hỗ trợ này, phạm vi đối tượng được mở rộng, có tính bao trùm. Đây là nguồn động viên kịp thời dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn bị nhiễm COVID-19, góp phần giúp bà con yên tâm điều trị, nỗ lực vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện tại. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp đến đồng bào, Ủy ban Dân tộc cũng hỗ trợ một số tỉnh mua lương thực, thực phẩm cho người dân tộc thiểu số thuộc diện cách ly tập trung. Sắp tới, Uỷ ban dân tộc sẽ có văn bản gửi các tỉnh, thành đề nghị đánh giá sâu về tác động của dịch COVID - 19 đến vùng dân tộc thiểu số để có chính sách phát triển đặc thù sau dịch.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Ảnh: quochoi.vn |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: "Nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội vẫn hết sức quan trọng, song song với công tác phòng chống dịch COVID - 19, làm sao đảm bảo tốt nhất đời sống của đồng bào các dân tộc. Ủy ban sẽ cùng với các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, chúng tôi sẽ nắm chắc tình hình trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số về đời sống, về những khó khăn bất cập, những tâm tư nguyện vọng của người dân để phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời".
Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nhà nước Việt Nam cũng bố trí những nguồn lực phù hợp để đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất cho bà con. Điều này một lần nữa đã được thể hiện rõ trong đại dịch COVID -19.