Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: một chặng đường phát triển mới

Chia sẻ
(VOV5) - Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ thăm Việt Nam trong tháng 10.

Đây là lần thứ hai liên tiếp một Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên sau khi nhận chức. Điều này cho thấy mối quan hệ tốt đẹp, sự tin cậy về chính trị và kinh tế giữa hai quốc gia, thể hiện đường lối đối ngoại nhất quán của Nhật Bản coi trọng quan hệ với Việt Nam và khu vực ASEAN. Đây cũng là tiền đề mới tạo động lực cho một chặng đường hợp tác phát triển mới giũa hai nước.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: một chặng đường phát triển mới - ảnh 1 Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Nguồn: Nikkei Asia

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai ở Việt Nam.

Sự ổn định và nhất quán trong chính sách

Việc Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm sau khi nhậm chức phù hợp với tuyên bố của ông về việc sẽ tiếp tục chính sách kinh tế và đối ngoại của người tiền nhiệm Abe Shinzo. Điều này cũng thể hiện rõ sự ổn định và nhất quán trong chính sách của chính phủ Nhật Bản đối với Việt Nam, dựa trên quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước, vì hoà bình và phồn vinh, được khẳng định trong Tuyên bố chung giữa hai nước năm 2014.

Nhìn lại quan hệ song phương, nhất là từ khi nối lại viện trợ cho Việt Nam năm 1992 đến nay, Chính phủ Nhật Bản luôn thể hiện sự coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam, cả về chính trị và kinh tế. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm (1995), là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (2009), là nước G7 đầu tiên mời Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở Nhật Bản (2016).

Nhật Bản cũng cung cấp vốn viện trợ phát triển chính thức giúp đỡ Việt Nam từ rất sớm (năm 1992) và liên tục tăng, đến nay chiếm hơn 1/3 trong tổng số viện trợ chính thức của các nước trên thế giới cho Việt Nam. Nguồn viện trợ quý báu này được Việt Nam sử dụng hiệu quả trong những dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Nhiều dự án đã trở thành biểu tượng cho quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước như Sân bay Quốc tế Nội Bài, Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Cầu Nhật Tân.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: một chặng đường phát triển mới - ảnh 2 Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng được tổ chức tại Việt Nam vào chiều 7/8/2020 theo hình thức họp trực tuyến với sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi.Nguồn: TTXVN

Gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành hai quốc gia gắn bó tin cậy trong khuôn khổ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đánh giá: "Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là mối quan hệ hết sức đặc biệt. Nhật Bản rất coi trọng Việt Nam trong tổng thể các mối quan hệ. Trong tất cả các lĩnh vực của  Việt Nam đều có sự hiện diện của Nhật Bản. Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam cũng rất nhiều so với tỷ lệ chung trong ASEAN. Nhật Bản cũng một trong những đối tác hàng đầu đầu tư vào Việt Nam, trong đó có ODA".

Tiếp tục là đối tác quan trọng, tin cậy

Những thành tựu nổi bật của quan hệ hai nước gần nửa thế kỷ qua sẽ tiếp tục được vun xới, phát triển qua chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Suga Yoshihide. Việt Nam sẽ là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư Nhật Bản, nhất là những lĩnh vực công nghệ ưu tiên của thế kỷ XXI như công nghệ số, viễn thông, năng lượng tái tạo…Việt Nam sẽ tiếp tục là nguồn cung ứng nhân lực lớn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt khi nền kinh tế Nhật Bản khôi phục nhanh chóng sau đại dịch COVID-19. Đánh giả về triển vọng quan hệ song phương, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết: "Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID - 19. Hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản sẽ có bước phát triển lớn hơn trong giai đoạn tới. Tôi cho rằng thời điểm kỷ niệm 50 năm  thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản sẽ là thời điểm vô cùng đặc biệt. Dựa trên nền tảng quan hệ tốt đẹp từ trước tới nay, Nhật Bản và Việt Nam sẽ cùng hướng tới mối quan hệ mới. Đó là mối quan hệ bình đẳng, cùng nhìn nhận và tôn trọng nhau".

Trong bối cảnh an ninh khu vực có nhiều thách thức, việc chia sẻ thông tin, thống nhất nhận thức và xác định phương hướng hợp tác vì hòa bình và ổn định ở khu vực sẽ là nội dung quan trọng của các cuộc gặp gỡ tiếp xúc giữa Thủ tướng Nhật Bản và các lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm. Thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ được đề cập. Sự cam kết của lãnh đạo hai nước là tín hiệu quan trọng cho các nhà đầu tư, doanh nhân đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đầu tư ở Việt Nam.

Với những gì đạt được, có thể nói mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Việc Thủ tướng Suga Yoshihide chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên cho thấy niềm tin về những triển vọng hợp tác mới giữa hai đất nước.

Feedback