(VOV5)- Đất nước Thái Lan lại rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng khi liên tiếp nhiều ngày qua, các cuộc biểu tình rầm rộ của cả hai phe ủng hộ và chống chính phủ diễn ra với quy mô lớn nhất kể từ năm 2010 khi vương quốc này bị rung chuyển bởi cuộc đổ máu chính trị khiến hơn 90 dân thường thiệt mạng. Dư luận đang hết sức lo ngại về một kịch bản xấu đối với với chính phủ cầm quyền Thái Lan. Với uy tín đã được tạo dựng trong hơn hai năm qua với tư cách là một nhà lãnh đạo khéo léo, ôn hòa, liệu nữ Thủ tướng Yngluck có dẫn dắt đất nước tránh rơi vào một vòng xoáy bất ổn và xung đột mới?
|
Biểu tình phản đối dự luật ân xá tại Thái Lan. - Ảnh: TTXVN |
Trong một diễn biến mới nhất, chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Yngluck hôm nay bắt đầu bước vào cuộc tranh luận bỏ phiếu bất tín nhiệm, với sự chất vấn của 20 nghị sĩ đối lập. Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này, cùng bản kiến nghị luận tội Thủ tướng và những thành viên Chính phủ, là những sức ép mà phe đối lập đưa ra nhằm lật đổ chính phủ của Nữ Thủ tướng Yngluck Shinawatra.
Nguồn cơn và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Thái Lan
Cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất ở Thái Lan được châm ngòi từ sự kiện nữ Thủ tướng Yngluck chơi một canh bạc chính trị đầy mạo hiểm khi tìm cách thông qua Dự luật ân xá, một dự luật vốn được xem là hết sức nhạy cảm với phe đối lập. Phe đối lập tin rằng dự luật được đưa ra là một nỗ lực của bà Yingluck nhằm “rửa sạch tội lỗi” cho anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhằm đưa ông này trở về nước sau nhiều năm phải đi sống lưu vong bên ngoài để trốn tránh án phạt tù 2 năm vì tội tham nhũng mà ông phải đối mặt năm 2008. Dù dự luật tranh cãi trên đã bị thượng viện Thái Lan bác bỏ nhưng nó đã đủ là cái cớ để thổi bùng lên ngọn lửa mâu thuẫn vốn vẫn âm ỉ lâu nay trong xã hội Thái Lan.
Có thể thấy, mọi thứ liên quan đến ông Thaksin đến nay vẫn là một trong những điểm nhạy cảm chính trị lớn nhất ở Thái Lan. Ông Thaksin chính là nguyên nhân chính tạo ra sự phân cực xã hội sâu sắc ở Thái Lan và là nguồn cơn của mọi sự xáo trộn chính trị ở đất nước này trong nhiều năm qua. Cựu Thủ tướng Thaksin được hàng triệu dân nghèo Thái Lan yêu mến vì chính sách vì dân của ông nhưng lại không được lòng hoàng gia, quân đội và tầng lớp trung lưu.
Những năm qua, người ta chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc đối đầu giữa lực lượng ủng hộ ông Thaksin (phe áo đỏ) và các thành phần chống đối ông (phe áo vàng). Những cuộc đối đầu đó đã gây ra tình trạng bất ổn chính trị, dẫn đến sự thay đổi chính quyền liên tiếp, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân ở vương quốc chùa Vàng. Mặc dù dành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử cách đây hơn 2 năm và thực tế đã dẫn dắt Thái Lan đi qua được giai đoạn hòa bình lâu dài nhất trong những năm gần đây, nhưng cũng chính vấn đề liên quan đến ông Thaksin cũng đã vài lần khiến chính phủ của bà Yngluck Shinatrawat chao đảo.
Kịch bản 2010 có tái diễn?
Đảng Dân chủ đối lập đang đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay. Cho đến thời điểm hiện tại, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra tương đối hòa bình nhưng rõ ràng, dư luận không thể tránh khỏi nỗi lo ngại về kịch bản những cuộc biểu tình đẫm máu diễn ra năm 2010 khi có tới hơn 90 người biểu tình “áo đỏ” thiệt mạng vì căng thẳng leo thang trong cuộc đàn áp của chính quyền do Đảng Dân chủ lãnh đạo khi đó. Trước sức ép ngày càng tăng của lực lượng chống đối hiện nay, nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra một mặt kêu gọi những người biểu tình kiềm chế và khẳng định Chính phủ không sử dụng vũ lực để đối phó với các cuộc biểu tình, sẵn sàng tiến hành đối thoại, thảo luận với các phe phái để giải quyết tình trạng bất ổn chính trị hiện nay ở Thái Lan, mặt khác kiên quyết áp dụng Luật An ninh Nội địa nhằm trấn áp các hành động phá rối chính phủ và đe dọa an ninh quốc gia.
Phép thử đối với Thủ tướng Yngluck Shinatrawat
Không ít các chuyên gia và giới phân tích lo ngại, những diễn biến trên chính trường Thái Lan hiện nay, nếu không được xử lý khéo léo thì bà Yngluck có nguy cơ khiến chính phủ của mình bị lật đổ. Tuy nhiên, với những gì bà Yngluck đã thể hiện hơn 2 năm qua trong việc chèo lái đất nước Thái Lan, dư luận tin rằng bà Yngluck sẽ thành công hơn những người tiền nhiệm trước đó.
Nhìn lại năm 2012, Thủ tướng Yngluck Shinatrawat từng dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện do các nghị sỹ đối lập khởi xướng với cáo buộc chính phủ không giải quyết được nạn tham nhũng thì hiện tại, các nhà phân tích vẫn tin vào khả năng phục hồi của bà Yngluck tại cơn chính biến lần này. Thêm vào đó, việc đảng Vì nước Thái cầm quyền đang chiến ưu thế tại Hạ viện sẽ là một trong những nhân tố cản trở các nỗ lực nhằm gây bất lợi đối với nữ Thủ tướng đầu tiên của xứ sở Chùa Vàng./.