Phát triển kinh tế số nhằm hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Theo thống kê, năm 2021, Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020.

Thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của nền kinh tế số, thể hiện qua lượng dữ liệu cực lớn được luân chuyển trên hệ thống internet toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cùng với đó,đại dịch COVID-19 tạo áp lực lẫn động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ ở Việt Nam cả về tốc độ, phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn… Nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ ở Việt Nam đang góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường.

 Phát triển kinh tế số nhằm hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường - ảnh 1 Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để khai thác tiềm năng kinh tế số Việt Nam. Ảnh minh họa: thoibaotaichinhvietnam.vn

Quy mô của thị trường IoT (Internet vạn vật) toàn cầu năm 2020 là 308,97 tỷ USD. Con số này tăng lên 381,30 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến sẽ tăng lên 1.850 tỷ USD vào năm 2028 và mức tăng trưởng hằng năm sẽ là 25,4% trong giai đoạn 2021-2028. Tại Đông Nam Á, khu vực có khoảng 670 triệu người, kinh tế Internet được dự báo đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 sau khi đã có thêm 60 triệu người dùng internet mới kể từ khi bắt đầu xảy ra dịch COVID-19, nâng tổng số lên 440 triệu người đang sử dụng internet, với hàng chục triệu người tham gia mua sắm trực tuyến và giao hàng thực phẩm…Những con số trên phần nào cho thấy kinh tế số không còn là "khái niệm trừu tượng" nữa mà đã là thực tế vô cùng sống động ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đón trước cơ hội, theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Chương trình này tạo nền móng, làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Căn cứ tình hình cụ thể, từng bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quyết định xây dựng đề án, chương trình, chiến lược, kế hoạch lồng ghép nội dung về chuyển đổi số trong hoạt động của mình. Nội dung chuyển đổi số quốc gia được giám sát, đánh giá định kỳ hằng năm và mỗi 5 năm.

 Phát triển kinh tế số nhằm hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường - ảnh 2 Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Từ năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã tạo áp lực và cả động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và bùng nổ kinh tế số ở Việt Nam cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, năm 2021, dịch COVID-19 được coi là "cú hích trăm năm" cho chuyển đổi số đối với ngành thông tin và truyền thông. Dịch bệnh đã thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui  chơi giải trí từ xa… ngày càng trở nên phổ biến. Nhờ đó, các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành thông tin và truyền thông đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Theo thống kê, năm 2021, Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và so với chỉ có 45.600 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2019. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0... Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 34 nền tảng số "Make in Viet Nam". Các doanh nghiệp công nghệ số như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Công nghệ Việt Nam (Viettel), Công ty cổ phần tập đoàn Viễn thông (CMC), Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ (FPT)… có tiềm lực, có đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay đã có bước tiến ở chỗ không chỉ gia công, lắp ráp cho nước ngoài. Với tinh thần "Make in Viet Nam", các doanh nghiệp đã vươn lên, sản xuất và làm chủ những sản phẩm, nền tảng công nghệ chuyển đổi số trong nước. Chỉ tính riêng trong năm 2021, doanh thu ngành thông tin và truyền thông đạt 3.462.170 tỷ đồng tăng 9% so với năm 2020 và cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra. "Giá trị Việt Nam" trong tổng doanh thu công nghiệp thông tin và truyền thông đạt khoảng 33,568 tỷ USD.

Chủ trương xây dựng nền kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, bao gồm xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Điều này được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam đều đặt ra 53 chỉ tiêu định lượng đến năm 2025. Trong đó năm 2022 có 18 chỉ tiêu, bao gồm: phổ cập điện thoại thông minh và cáp quan băng rộng toàn dân; phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; phổ cập dạy học trực tuyến; phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; phổ cập hóa đơn điện tử; phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổ số và phổ biến kỹ năng số; thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số; thúc đẩy thương mại điện tử... Đây là những nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

Feedback