Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Cử tri Thủ đô xem danh sách, tiểu sử các đại biểu ra ứng cử. Nguồn: Tư liệu TTXVN. |
Trước khi Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể Quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử.
Vào thời điểm năm 1946, khi đất nước trong cảnh thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Động thái này cho thấy Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, quy tụ người có tài, có đức, gánh vác công việc nước nhà. Kết quả 333 đại biểu Quốc hội được bầu với đủ các thành phần, đảng phái khác nhau.Thắng lợi này là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ hai (28/10-9/11/1946) bầu ra. Nguồn: Tư liệu TTXVN. |
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng không ai có thể tưởng tượng nổi, vào thời điểm đất nước vừa thoát khỏi cảnh lầm than, hơn 90% người dân còn mù chữ, vậy mà Việt Nam lại có một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ và văn minh như vậy: “Tiến hành Tổng tuyển cử trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là mọi công dân đều có quyền, không phân biệt đàn ông hay đàn bà, không phân biệt các dân tộc, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng…. Điều đó không phải phổ biến. Ngay ở một số nước Châu Âu, quyền bình đẳng về giới, để phụ nữ được tham gia bầu cử, ứng cử chưa phải đã phổ quát”.
Quốc hội Việt Nam ra đời vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Quốc hội ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh dân tộc gay gắt. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân.Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc- Trung- Nam, thể hiện ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời, hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia, những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, có đại diện của các thành phần tôn giáo, tất cả các thành phần dân tộc, của tất cả những người không đảng phái và đảng phái chính trị như Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, những đảng viên Xã hội cùng những người tiến bộ trong các phái chính trị khác.
Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương "Thống nhất, thống nhất và thống nhất", Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Công việc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện giặc ngoài thù trong, tình hình hết sức khó khăn. Đối với Việt Cách, Việt Quốc, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết đấu tranh chống lại mọi sự phá hoại chống đối của họ, đồng thời cũng đã cố gắng nhân nhượng, hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho Tổng tuyển cử. Thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải, Hội đồng Chính phủ đã dành 70 ghế cho Việt quốc, Việt Cách trong quốc hội không qua bầu cử. Theo Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn, chỉ có Việt Nam, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới làm được điều này: “Đấy là điều rất tuyệt vời. Trong sáng tạo có nguyên tắc. Tình thế phải nhân nhượng. Bầu Quốc hội rất khó khăn. Quốc hội Việt Nam có lẽ là duy nhất”.
Theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỷ niệm 75 năm Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam là dịp ôn lại, tự hào về những thành tựu của Quốc hội đã đạt được trong những chặng đường vừa qua, đồng thời xác định rõ hơn những việc cần làm trong năm 2021, năm sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: “Trong 75 năm kế thừa, phát triển của 14 nhiệm kỳ bầu cử Quốc hội. Đây là những bài học rất đắt giá. Bây giờ cuộc bầu cử khóa 15 này làm thế nào để chọn được đại biểu đúng yêu cầu. Thì chúng tôi đặt ra là nâng lên 4% đại biểu chuyên trách, tỷ lệ nữ cũng nâng lên, phấn đấu trên 30%, rồi đại biểu dân tộc, tuổi trẻ… cũng tăng lên. Đồng thời, phải đảm bảo dân chủ để cử tri phát hiện, lựa chọn, giới thiệu với Quốc hội những đại biểu ưu tú. Nếu thực hiện tốt thì chúng ta lựa chọn được”.
Với truyền thống và kinh nghiệm tích lũy qua 75 năm, với ý thức trách nhiệm trước Nhân dân và tiền đồ của đất nước, với phương châm: Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, nhất định Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là người đại diện cho nhân dân.