(VOV5) - Chuyển đổi năng lượng hiện nay được xem là một ưu tiên toàn cầu trong bối cảnh thế giới đẩy mạnh nỗ lực đạt được các mục tiêu về khí hậu. Tuy nhiên, lộ trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và gia tăng công suất năng lượng sạch vẫn còn nhiều thách thức.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 28 Các bên Tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) tại Dubai (UAE) ngày 30-11-2023. Ảnh: THX/TTXVN |
Tai Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu - COP28, tổ chức tháng 12 năm ngoái tại Dubai (UAE), cộng đồng quốc tế đạt được thỏa thuận lịch sử về việc sẽ loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, việc xây dựng lộ trình thực hiện cam kết này không đơn giản.
Tương lai của khí đốt
Một vấn đề lớn hiện vẫn gây chia rẽ các quốc gia cũng như cộng đồng năng lượng quốc tế, đó là tương lai của nhiên liệu hóa thạch sẽ kéo dài đến khi nào? Hiện nay, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy việc chuyển đổi năng lượng của các quốc gia trên thế giới có thể diễn ra nhanh hơn dự kiến, nhờ các yếu tố thuận lợi, như: việc gia tăng năng lực sản xuất, lắp đặt hạ tầng năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời); thị phần hydrogen xanh tăng nhanh; mùa Đông ngày càng bớt lạnh hơn tại nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, giá khí đốt đang giảm mạnh trên toàn cầu. Tại châu Âu, giá bán buôn khí đốt trong tuần qua được giao dịch ở mức 23 euro/MWh (24,8 USD), mức thấp nhất từ tháng 5/2021 và chưa bằng 1/10 mức giá kỷ lục 319 euro/MWh (345 USD) vào tháng 8/2022. Vì thế, một số chuyên gia cho rằng kỷ nguyên của khí đốt, 1 trong những loại nhiên liệu hóa thạch được tiêu thụ nhiều nhất, đã đi đến hồi kết.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều chia sẻ nhận định này. Hôm 25/02, Qatar tuyên bố khánh thành tổ hợp khai thác khí đốt mới để gia tăng sản lượng xuất khẩu khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), bất chấp việc giá khí đốt tại Mỹ và châu Âu xuống thấp kỷ lục. Theo Chủ tịch QatarEnergy, ông Saad Al-Kaabi, bất chấp nhu cầu khí đốt tại Mỹ và châu Âu suy giảm, các thị trường lớn khác tại châu Á vẫn đang tăng trưởng rất nhanh và khí đốt vẫn có tương lai lâu dài: "Chúng ta vẫn nói rằng khí đốt là một phần của giải pháp cho chuyển đổi năng lượng và tôi nghĩ rất nhiều người đã tham gia vào tiến trình này, chúng tôi cũng tham gia ngay từ đầu nhưng chúng tôi không thay đổi quan điểm của mình, đó là khí đốt vẫn có một tương lai rộng mở trong ít nhất là 50 năm nữa”.
Tổng Giám đốc IAEA, Rafael Grossi. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngoài khí đốt, một loại hình năng lượng khác cũng gây ra nhiều tranh luận là năng lượng hạt nhân. Hiện nay, đa số các quốc gia và tổ chức đã xếp năng lượng hạt nhân vào nhóm “năng lượng sạch”. Cuối tháng này (từ 21-22/03), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao về năng lượng hạt nhân tại Brussels (Bỉ). Theo IAEA, đây sẽ là cuộc họp cấp cao nhất chỉ tập trung vào chủ đề năng lượng hạt nhân, với sự tham dự của khoảng 30 quốc gia. Trước đó, tại COP28, hơn 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu, đã kêu gọi tăng gấp 3 lần sản lượng điện hạt nhân trên thế giới vào năm 2050 nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu. Theo Tổng Giám đốc IAEA, Rafael Grossi, ngày càng nhiều nước lên kế hoạch đưa năng lượng hạt nhân vào chương trình năng lượng quốc gia hoặc mở rộng các chương trình năng lượng hạt nhân hiện có, mới nhất là Canada hôm 29/02. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng và môi trường cho rằng các tranh cãi gay gắt về năng lượng hạt nhân vẫn sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, bởi mức độ an toàn cũng như việc xử lý chất thải hạt nhân vẫn là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia.
Thách thức đầu tư cho năng lượng tái tạo
Đối với năng lượng tái tạo, loại hình năng lượng được xem là tương lai của thế giới, báo cáo hôm 11/01 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy công suất năng lượng tái tạo toàn cầu trong năm ngoái đã tăng 50% so với năm 2022. Cụ thể, trong năm vừa qua thế giới có thêm 510 Gigawat (GW) năng lượng tái tạo, đủ để đáp ứng nhu cầu điện cho gần 51 triệu hộ gia đình trong 1 năm, trong đó năng lượng mặt trời chiếm 75%. Theo nhận định của IEA, với tốc độ hiện nay, công suất năng lượng tái tạo của thế giới có thể tăng gấp 2,5 lần vào năm 2030. Tuy nhiên, Giám đốc IEA, Fatih Birol cho rằng điều này vẫn chưa đủ để thế giới đạt được mục tiêu đề ra tại COP28, là tăng gấp 3 lần. Theo người đứng đầu IEA, 1 trong những nguyên nhân chính cho sự chậm trễ này là sự đầu tư chưa tương xứng vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là từ các tập đoàn năng lượng khổng lồ vốn đang kiếm được lợi nhuận kỷ lục từ nhiên liệu hóa thạch nhưng chưa thực hiện đúng các cam kết chuyển đổi năng lượng: "Chúng tôi nhận thấy các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt chỉ dành 2,5% ngân sách đầu tư vào năng lượng sạch, còn 97.5% là để đầu tư vào các hoạt động khai thác truyền thống. Do đó, có một khoảng cách rất lớn giữa những gì các tập đoàn này cam kết thực hiện với chiến lược đầu tư thực sự mà họ đang tiến hành”.
Trước đó, hôm 19/02, Global Witness công bố báo cáo cho thấy 5 tập đoàn năng lượng lớn, gồm: BP (Anh), Shell (Anh, Hà Lan), Chevron (Mỹ), ExxonMobil (Mỹ) và Total Energy (Pháp) đạt lợi nhuận kỷ lục 281 tỷ USD kể từ tháng 2/2022, thời điểm nổ ra xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, dự kiến các tập đoàn này sẽ dành ra hơn 100 tỷ USD để chia cổ tức cho các cổ đông, thay vì ưu tiên đầu tư cho việc chuyển đổi năng lượng. Thực tế đó khiến các nỗ lực tạo đột phá cho năng lượng tái tạo trên thế giới gặp thách thức, bởi theo ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC), để thực hiện việc chuyển đổi năng lượng thành công, thế giới cần mỗi năm khoảng 2.400 tỷ USD, một con số khó có thể đạt được vào thời điểm này.