Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng Việt Nam đã làm từ lâu nhưng từ Đại hội XII, công tác này được đẩy mạnh quyết liệt, triệt để với chủ trương huy động sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, cả xã hội cùng vào cuộc.
Riêng trong 2 năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 đã chỉ đạo xử lý 52 vụ án, 33 vụ việc, trong đó một loạt đại án liên quan đến tham nhũng đã và đang được xử lý kiên quyết. Những con số này cho thấy quyết tâm chính trị lớn của Đảng, Nhà nước. Chống tham nhũng không có giới hạn, không có vùng cấm.
ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để xảy ra sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB). |
Những kết quả tích cực
Từ sau Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng CSVN đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, có một bước tiến mạnh.
Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng; gắn phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm, cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao.
Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Ông Nguyễn Xuân Hồng, người dân huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đánh giá: "Theo tôi công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua làm quyết liệt và rất hiệu quả. Nhân dân cả nước rất tin tưởng. Bản thân tôi rất tin tưởng vào Đảng lãnh đạo, nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang làm, mà xử cả được tham nhũng ở những cán bộ có chức có quyền như điển hình xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh”.
Những kết quả đạt được về công tác phòng, chống tham nhũng đã có tác động mạnh mẽ, có tính cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung. Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, nhấn mạnh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đặc biệt chú trọng chống quan liêu, tham nhũng, sâu xa hơn là chống giặc nội xâm, chống chủ nghĩa cá nhân. Với 1 Đảng cách mạng cầm quyền, nguy cơ lớn nhất là nguy cơ xa dân, nguy cơ thoát ly đời sống thực tiễn và đưa ra những quyết sách không hợp lòng dân. Một Đảng có trong sạch thì mới vững mạnh được và đó là điều kiện của đạo đức cách mạng".
Tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng
Không thể phủ nhận công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều tác động tích cực tới sự phát triển của xã hội. Trong thời gian tới, muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả và rộng khắp phải thực hiện một cơ chế chặt chẽ, phải thiết lập cơ chế vận hành phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Phòng, chống tham nhũng phải đề cao công tác phòng ngừa, ngăn chặn.
Và Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội hôm nay chính là dịp để các cấp, các ngành chỉ rõ những tồn tại, hạn chế về công tác phòng, chống tham nhũng sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ và cho cả nhiệm kỳ tới.
Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Không chỉ tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân mà còn tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.