Những tiến bộ thuyết phục về nhân quyền của Việt Nam

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Trong 5 năm qua, kể từ phiên Rà soát chu kỳ I vào tháng 5/2009, Việt Nam đã luôn nỗ lực tăng cường việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị, theo đúng chuẩn mực quốc tế.

(VOV5) - Ngày 20/6 vừa qua, tại trụ sở Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ, Báo cáo về tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 2 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đã được Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc thông qua, với sự nhất trí của đại diện 192 nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Sự kiện này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời thêm một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán và cam kết mạnh mẽ bảo đảm và phát huy các quyền con người tại Việt Nam. 

Những tiến bộ thuyết phục về nhân quyền của Việt Nam - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


Báo cáo Định kỳ Phổ quát rà soát tình hình đảm bảo nhân quyền (UPR) là một cơ chế quan trọng của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới. Với Việt Nam, UPR càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây chính là diễn đàn để Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán về bảo đảm quyền con người của Việt Nam, phản bác lại những ý kiến lạc lõng, thiếu thiện chí về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.


UPR, cơ chế quan trọng đối với Việt Nam


Tháng 5/2009, lần đầu tiên tham gia UPR, Việt Nam nhận được 123 khuyến nghị từ 60 quốc gia. Ở phiên UPR lần 2 vào tháng 2/2014, có 106 đại biểu từ các nước khác nhau đã có ý kiến và 227 khuyến nghị đã được đưa ra. Và phiên họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền vừa qua là thời hạn Việt Nam công bố các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận. Theo đó, có 182 trên tổng số 227 khuyến nghị chấp thuận, chiếm tới hơn 80% các khuyến nghị đưa ra, một tỷ lệ rất cao trong lịch sử hoạt động của Cơ chế UPR tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ trước tới nay.


Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, người tham gia phiên UPR lần 2 tháng 2/2014 vừa qua, xác định UPR là một cơ chế quan trọng đối với Việt Nam khi tham gia Liên hợp quốc, vì vậy Việt Nam đã hợp tác với tất cả các nước, làm rõ tất cả những khuyến nghị mà các nước đưa ra trên tinh thần xây dựng: "Hầu hết các khuyến nghị là xây dựng và bổ ích, còn một số không nhiều các khuyến nghị thì không phản ánh đúng tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng coi đây là một phần tất yếu của đối thoại và Việt Nam, với sự tham gia của các bộ ngành, thì đã trao đổi rất cởi mở, thẳng thắn và xây dựng để cung cấp thông tin toàn diện và khách quan cho tất cả các nước".


Có thể thấy, trong 5 năm qua, kể từ phiên Rà soát chu kỳ I vào tháng 5/2009, bất chấp một số khó khăn kinh tế-xã hội nhất định, Việt Nam đã luôn nỗ lực tăng cường việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị, theo đúng chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh phấn đấu hoàn thành tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chủ trương, chính sách để đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.


Sự tiến bộ không thể phủ nhận


Nhìn lại, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam lại nhận được sự tín nhiệm cao, giành được số phiếu cao khi bầu chọn làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Quyền con người được quy định trong rất nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, dân sự chính trị. Tất cả những điều này thể hiện rõ rệt qua từng bước phát triển của Việt Nam trong nhiều năm qua, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ông Lê Hoài Trung, Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng: "Chúng ta thấy là những thành tựu đạt được về mặt xã hội rõ ràng đã khẳng định được chính sách nhất quán, sự quan tâm của Việt Nam. Quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, quyền lao động…Ngoài ra còn quyền về dân sự chính trị. Rõ ràng, thời gian qua, những phiên chất vấn ở quốc hội được đề cập nhiều hơn. Cho nên khi nói đến quyền thì thường người ta nhắc đến chính sách về cái đó như thế nào, có chính sách rồi thì thể hiện nó bằng luật pháp như thế nào, cơ chế thực hiện, kết quả cụ thể như thế nào. Nếu xem xét cả 4 yêu cầu đó thì rõ ràng Việt Nam đều đạt được".


Chính vì vậy, tại phiên UPR vừa qua, ngược với một số ý kiến lạc lõng của các tổ chức phi chính phủ, lợi dụng cơ chế của Liên hợp quốc, phủ nhận thành tựu về quyền con người của Việt Nam, đa số các nước và tổ chức quốc tế đều đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền con người, hoan nghênh Việt Nam đã chấp thuận hầu hết các khuyến nghị và có thái độ hợp tác, xây dựng trong tiến trình UPR nói riêng và đảm bảo quyền con người ở Việt Nam nói chung.


Việc Việt Nam chấp thuận số lượng lớn các khuyến nghị tại UPR lần này thêm một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán và cam kết mạnh mẽ bảo đảm và phát huy các quyền con người tại Việt Nam. Nghiêm túc triển khai 182 khuyến nghị UPR cũng như các cam kết tự nguyện khác của Việt Nam,Việt Nam tiếp tục thể hiện sự gương mẫu, trách nhiệm của một nước thành viên Hội đồng Nhân quyền trong sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên toàn thế giới./.

Feedback