Trong tiến trình hội nhập của đất nước những năm qua, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được nhắc đến như một yếu tố quan trọng. Dù sinh sống, học tập ở quốc gia nào, mỗi người Việt Nam luôn là sứ giả của tình hữu nghị, đã và đang góp phần quảng bá những hình ảnh, những giá trị văn hoá Việt ở nước ngoài. Những người Việt Nam ở Hàn Quốc là một ví dụ cho những nỗ lực đó.
Bạn Ngọc Quang (thứ hai từ phải) giao lưu cùng bạn bè quốc tế trong Đêm văn
hóa thanh niên ASEAN - Hàn Quốc tại Busan bên lề Hội nghị mô phỏng cấp cao
ASEAN - Hàn Quốc năm 2020 - Ảnh: QUANG N. |
Những thành tựu quan trọng mà đất nước đạt được ngày hôm nay có sự đóng góp vô cùng quý báu của đồng bào ở nước ngoài. Kiều bào đồng thuận, ủng hộ sự nghiệp đổi mới và sẵn sàng chung vai gánh vác những trọng trách của đất nước.
Những sứ giả của tình hữu nghị
Nguyễn Ngọc Quang, sinh năm 1995, đang là sinh viên năm cuối của kỳ nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Hanyang (Seoul, Hàn Quốc). Em vừa được giải thưởng sinh viên 5 Tốt cấp Trung ương do Trung ương hội sinh viên Việt Nam trao tặng cho các sinh viên đạt được 5 tiêu chí, đó là đạo đức tốt, học tập tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt và thể lực tốt.
Cũng trong năm qua, vượt qua 24 đội, nhóm sinh viên quốc tế do Quang làm trưởng nhóm đã đoạt giải nhất cuộc thi ý tưởng châu Á Thái Bình Dương về xử lý môi trường. Đề tài nghiên cứu của nhóm đề cập đến giải pháp xử lý rác thải nhựa trong thời gian ngắn nhất: “Em cảm thấy rất tự hào vì rất ít khi có đội thi đa quốc tịch, trong đó có các bạn Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam đã đoạt được giải ở cuộc thi tầm cỡ quốc tế tại Hàn Quốc. Đây là cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp. Em có vai trò tổ chức và lên ý tưởng để xây dựng mô hình xử lý và thiết kế slide”.
Ngoài dự án này, Ngọc Quang còn là phóng viên danh dự của Trung tâm Hàn Quốc - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hàn Quốc. Trong năm qua, Quang viết khoảng 30 bài Blog và 30 bài báo liên quan đến các hoạt động của ASEAN - Hàn Quốc: “Những hoạt động này không chỉ giúp ích cho quan hệ giữa ASEAN và Hàn Quốc nói chung mà còn có thể giúp ích cho quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng. Mục tiêu cuối cùng khi em viết những bài báo là em có thể quảng bá hình ảnh con người Việt Nam thông qua những sự kiện. Đây là dịp để em có thể lan tỏa được hình ảnh Việt Nam, con người Việt Nam và những nét đẹp văn hóa mà chỉ Việt Nam mới có ra quốc tế và để nhiều quốc gia biết đến Việt Nam hơn”.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn . Ảnh: TTXVN |
Cũng trong nỗ lực giữ gìn, quảng bá hình ảnh Việt Nam trên đất nước Hàn Quốc, chị Nguyễn Thị Biết, sinh sống 14 năm tại Hàn Quốc, tự mở những lớp học tiếng Việt miễn phí cho con các gia đình đa văn hóa. Từ năm 2016 đến nay, chị Biết đã mở được 5 lớp như vậy, với khoảng 30 học viên: “Hiện tại, em làm bên mảng phát triển môi trường song ngữ. Có nghĩa là truyền đạt, hướng dẫn, định hướng cho các phụ huynh vì mình phải nhớ đến nguồn gốc của mình, phải cho thế hệ thứ hai, thứ ba biết được ngôn ngữ tiếng Việt, phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, văn hóa Việt Nam tại quê hương thứ hai này. Đây là công việc rất phù hợp với em”.
Không chỉ bó hẹp trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống, nhiều người Việt Nam ở Hàn Quốc còn là cầu nối thúc đẩy phát triển kinh tế song phương. Chị Võ Ngọc Tuyết, sinh sống 18 năm ở Hàn Quốc, một doanh nhân trẻ, năng động trong kinh doanh lúa gạo, là một người như thế: “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng đông nên nhu cầu được ăn cơm tự nấu từ gạo Việt Nam là nhu cầu rất lớn, và người Hàn cũng biết nhiều đến gạo Việt Nam. Không những gạo mà nông sản Việt Nam đưa ra nước ngoài sẽ giúp được người nông dân Việt Nam tiêu thụ sản phẩm. Đó là việc mình mong muốn làm và có ý nghĩa với một người con Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Hiện, tôi mới chỉ cung cấp gạo cho vài nhà máy, hay những đơn vị nhận bán lẻ. Tôi đang dần cố gắng để phát triển hơn nữa bởi khi nhìn thấy những sản phẩm đề Made in Việt Nam thì mình cảm thấy rất tự hào”.
Góp phần tạo nên sức mạnh mềm cho đất nước
Những người như Ngọc Quang, Nguyễn Thị Biết, hay Ngọc Tuyết, 3 trong số hàng triệu kiều bào có mặt ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, chính là những chủ thể giữ gìn, cũng là sứ giả quảng bá về văn hoá, đất nước, con người Việt Nam. Các giá trị truyền thống được bà con gìn giữ và phát huy không chỉ là sợi dây kết nối giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với cộng đồng, với quê hương, mà còn là thông điệp sâu sắc truyền tải đến bạn bè quốc tế, góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng:“Những thành tựu quan trọng mà đất nước đạt được ngày hôm nay có sự đóng góp vô cùng quý báu của đồng bào ta ở nước ngoài. Kiều bào ngày càng đồng thuận, ủng hộ sự nghiệp đổi mới và sẵn sàng chung vai gánh vác những trọng trách của đất nước, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu quan trọng mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra”.
Những thành công của đất nước ngày hôm nay là niềm tự hào chung của muôn triệu người dân đất Việt, dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu chiến lược xây dựng một nước Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong tiến trình đó, kiều bào sẽ tiếp tục chung tay hành động vì một Việt Nam thịnh vượng và hùng cường.