Những luận điệu vô căn cứ về nhân quyền Việt Nam

Vân Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Nỗ lực trong đảm bảo và thực thi quyền con người tại Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tổ chức Sáng kiến đánh giá nhân quyền (HRMI) có trụ sở tại New Zealand vừa công bố báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền toàn cầu năm 2024, dựa trên 3 tiêu chí là chất lượng cuộc sống, an toàn trước nhà nước và trao quyền. Đáng tiếc là Tổ chức này nhận định tình hình nhân quyền của Việt Nam thiếu tiến bộ và ngày càng xấu đi. Đây thực chất là những luận điệu vô căn cứ, không dựa trên tình hình thực tế về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.

Những luận điệu vô căn cứ về nhân quyền Việt Nam  - ảnh 1Ảnh minh họa - Nguồn: VOV

Ngay từ ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người đã được khẳng định không thể tách rời quyền của dân tộc

Thực tế khác xa với những đánh giá của HRMI

Quan điểm con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… đã được thể hiện xuyên suốt trong các cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Tiếp nối các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992, Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người, khi dành trọn vẹn 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Việc thông qua Hiến pháp 2013 với một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân” và sau đó là hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: "Hiến pháp năm 1992 chỉ có một điều 50 là có chữ quyền con người nhưng đến Hiến pháp năm 2013, chúng ta có cả một chương về quyền con người và điều đặc biệt nữa là không chỉ là ở quy định ở chương riêng mà quyền con người còn quy định ở nhiều chương của Hiến pháp, nhất là điều 3 của Hiến pháp nói về vai trò, trách nhiệm của nhà nước, mà thực ra đó là sứ mệnh của nhà nước, là công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Như vậy nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước là nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật bởi vì không có pháp luật thì không có cơ sở pháp lý thì bảo vệ quyền con người".

Tại Việt Nam, công dân có các quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội, quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền tự do dân chủ khác. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình không được xâm phạm đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác hay của Nhà nước. Nếu xâm phạm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý bằng nhiều hình thức tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện an ninh phi truyền thống, Đại học quốc gia Hà Nội, nêu ý kiến: "Thực ra chúng ta luôn luôn khuyến khích, kêu gọi, tạo mọi điều kiện cho người dân được thể hiện quan điểm, chính kiến của mình trên cơ sở tinh thần xây dựng. Anh có thể chỉ ra những khuyết điểm, có thể chỉ ra những sai sót, nhưng điều này khác với việc đả kích, khiêu khích, khác với việc xuyên tạc một cách cố ý và quyết liệt".

Đối với tiêu chí quyền không bị kết án tử hình như HRMI chấm điểm, phải khẳng định rằng Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn áp dụng hình phạt tử hình. Pháp luật quốc tế không cấm áp dụng hình phạt tử hình. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt này đối với những tội ác nghiêm trọng nhất.

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông, cho biết: "Còn nhiều nước cũng giống như Việt Nam đang xem xét trong quá trình hoàn thiện nền tư pháp của mình thì cũng sẽ xem xét thực hiện Nghị định thư về Xóa bỏ án tử hình. Tuy nhiên với điều kiện Việt Nam, chúng ta đang cân nhắc việc đó nhưng chúng ta đã chủ động trong việc thực hiện Nghị định thư về Xóa bỏ tử hình. Cụ thể là đang giảm số tội danh áp dụng án tử hình trong Bộ luật Hình sự. Từ Bộ luật Hình sự năm 1985 đến bộ luật Hình sự năm 2015, số lượng tội danh đã giảm rất nhiều, từ 44 tội danh xuống còn 18 tội danh".

Quốc tế công nhận

Nỗ lực trong đảm bảo và thực thi quyền con người tại Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đại sứ Australia tại Việt Nam, Andrew Goledzinowski, nhận xét có thể nhận thấy rõ hiện nay, việc giáo dục đào tạo tại Việt Nam đã được nâng cao, trình độ dân trí tăng cao, người dân tộc thiểu số được tiếp cận nhiều hơn với nước sạch và giáo dục. Phụ nữ cũng được coi trọng hơn, được cống hiến cho xã hội và tham gia ngày càng nhiều vào hệ thống chính trị. Việt Nam đã rất nỗ lực để đảm bảo nhân quyền cho người dân.

Những luận điệu vô căn cứ về nhân quyền Việt Nam  - ảnh 2Ông Veeramalla Anjjaiah, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á có trụ sở tại Indonesia - Ảnh tư liệu: VOV

Đồng quan điểm này, ông Veeramalla Anjjaiah, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á có trụ sở tại Indonesia, đánh giá: "Có thể nói Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong việc bảo vệ quyền con người, đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước vì lợi ích của người dân. Trong lĩnh vực này Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong tất cả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và điểm số SDG trên tất cả các lĩnh vực là 72,76. Việt Nam trong những năm qua đã thực hiện thành công nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người trong các lĩnh vực này. Ngoài ra, một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người là công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân".

Thành quả thực tế mà Việt Nam đạt được trong bảo đảm quyền con người cùng với những đánh giá của cộng đồng quốc tế là minh chứng rõ nét nhất, cho thấy báo cáo thường niên HRMI về tình hình nhân quyền của Việt Nam là không khách quan./.

Feedback