Năm 2021, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam đạt được những bước tiến mới. Từ việc ban hành chính sách mang tầm chiến lược đến việc đưa vào vận hành một số dự án hỗ trợ đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Những kết quả này không chỉ cụ thể hóa việc xây dựng chính phủ điện tử mà còn là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến tới xây dựng Chính phủ số.
Cán bộ, chiến sĩ công an làm việc tại Phòng Bản đồ số (Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư). Ảnh: nhandan.vn |
Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Việt Nam được xác định là gắn liền với giải quyết các vấn đề lớn để từ đó, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số cũng chính là hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số làm cho người dân giàu hơn, hạnh phúc hơn.
Đặt những nền tảng cơ bản
Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới năm 2030. Đây là lần đầu tiên, sau 20 năm triển khai chính phủ điện tử, Việt Nam đã chính thức ban hành một văn bản Chiến lược ở tầm quốc gia với các định hướng lớn về phát triển Chính phủ điện tử. Chiến lược này trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho tất cả các hành động của Việt Nam trong một thập kỷ tới – một thập kỷ Liên hợp quốc đánh giá là Thập kỷ hành động để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong chiến lược, Việt Nam hướng tới mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2025 và thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030, theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong. Ảnh: vtc.vn |
Cũng trong năm 2021, Việt Nam khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là một mốc lớn, là bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng, giúp đổi mới quản lý dân cư theo hướng hiện đại…Việc hoàn thành hệ thống nêu trên thể hiện quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ của cả Chính phủ, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về việc xây dựng một Chính phủ hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống thông tin điện tử giải quyết Thủ tục hành chính được hình thành đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tiếp tục giúp đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trong năm 2021. Tính đến ngày 20/8/2021, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cả nước đạt 65,11% (mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Các giao dịch được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Mức độ 4 cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng).
Mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Đảng và Nhà nước đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 100% quận, huyện, thị xã. Một số cơ sở dữ liệu tạo nền tảng đã được xây dựng như: cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết: "Trục liên thông văn bản quốc gia đã được xây dựng nhằm kết nối các hệ thống quản lý văn bản điều hành của các bộ, ngành, địa phương, hiện nay, đã kết nối 94/94 bộ, ngành, địa phương. Từ khi khai trương đến tháng 8 vừa qua đã có tổng số hơn 6,3 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc đạt trên 90%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra".
Tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư
Xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc cho thấy chỉ số tổng hợp của Việt Nam ( dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực) cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Việc phát triển Chính phủ điện tử không chỉ giúp Việt Nam tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng/năm mà còn góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong thu hút đầu tư.
Nâng cao thứ hạng Chính phủ điện tử chính là tập trung vận hành tạo hiệu quả trong hoạt động dịch vụ trực tuyến, trong đó lựa chọn các dịch vụ công nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm, mức độ truy cập tiềm năng nhiều; đảm bảo tính dễ sử dụng, liên tục và ổn định của dịch vụ công trực tuyến; phân loại các dịch vụ công trực tuyến hướng tới từng đối tượng người dân. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin trên cổng dịch vụ công quốc gia và các cổng thông tin của quốc gia, cổng thông tin của các bộ, tỉnh, cơ quan nhà nước các cấp.
Phát biểu tại lễ Tổng kết xây dựng, triển khai dự án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân (tháng 6/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến giữa Chính phủ với các Bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội liên quan. Đồng thời kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác để phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần thường xuyên rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia bảo đảm kế thừa, kết nối, chia sẻ, dùng chung, không trùng lắp, tiết kiệm, hiệu quả”.
Việt Nam đang nỗ lực để có những cách thức quản trị tốt hơn để tiến tới cải cách Chính phủ điện tử - Chính phủ số. Những kết quả đạt được trong năm 2021 là bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc.