Trong năm qua, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tiếp tục được Việt Nam đẩy mạnh từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn đến việc phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn.
Là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả của bom mìn nặng nề nhất trên thế giới, ước tính tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn của Việt Nam khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,7% diện tích cả nước.
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành. Nhiều người dân đã thiệt mạng, bị thương bởi những loại vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Những bước tiến mới trong khắc phục hậu quả bom mìn- An |
Tiếp cận chuẩn quốc tế trong quản lý và khắc phục hậu quả bom mìn
Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương xử lý cũng như khắc phục hậu quả bom mìn. Tuy nhiên năm 2018, việc ban hành Nghị định 18 (có hiệu lực từ 20/3/2019) bao quát được tất cả các hoạt động về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh của Liên hợp quốc. Tất cả các hoạt động do cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức, cả nhân nước ngoài thực hiện có liên quan đến hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam đều chịu sự điều chỉnh của Nghị định này. Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó tổng giám đốc trung tâm hành động bom mìn quốc gia, cho biết: "Nghị định này cơ bản đã hệ thống hóa lại toàn bộ các quy định về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam qua các thời kỳ. Nhiều quy định trong văn bản này tiếp cận hành động mìn quốc tế. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam với quốc tế. Đây là điều chúng ta rất quan tâm bởi vì yếu tố tiên tiến là yếu tố mới trong nghị định này. Về quản lý nhà nước nó thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với việc khắc phục hậu quả bom mìn và sự quan tâm thích đáng của Chính phủ đối với nạn nhân mà bom mìn gây ra".
Ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong khắc phục hậu quả bom mìn, năm 2018, Việt Nam cũng đã công bố được bản đồ nghi ngờ ô nhiễm bom mìn. Dữ liệu này rất quan trọng trong quản lý và sử dụng đất đai, là cơ sở quan trọng để xem xét việc sử dụng đất đai hợp lý. Song song với đó, năm 2018 Việt Nam cũng đã rà phá khoảng hơn 30 nghìn ha đất ô nhiễm bom mìn trên cả nước.
Việc tuyên truyền được triển khai rất nhiều, đặc biệt là mở rộng mạng lưới cộng tác viên cấp xã ở các tỉnh còn nhiều bom mìn. Hàng nghìn học sinh, sinh viên ở một số tỉnh miền Trung được tiếp cận tới kiến thức phòng chống bom mìn trong năm 2018.
Hỗ trợ nạn nhân bom mìn
Hỗ trợ nạn nhân bom mìn là phẩn việc quan trọng trong khắc phục hậu quả của loại vật nổ này gây ra. Trong năm 2018, các hoạt động hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng xã hội đã phần nào đáp ứng được nhu cầu, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Việc chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm việc làm, trị liệu tâm lý….đối với nạn nhân bom mìn tiếp tục được triển khai. Đến nay, cả nước có hơn 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hơn 400 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có gần 120 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề….đang vận hành để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người khuyết tật nói chung và nạn nhân bom mìn nói riêng.
Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội (Bộ lao động, thương binh và xã hội) cho biết: "Theo chính sách pháp luật của VN hiện nay, nạn nhân bom mìn là người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng thì được giải quyết trợ cấp hàng tháng và có bảo hiểm y tế. Đối với nạn nhân bom mìn không có người nuôi dưỡng thì được tiếp nhận vào các cơ sở xã hội. Năm 2018 chúng tôi đã phối hợp với các địa phương thí điểm phần mềm đăng ký thông tin quản lý nạn nhân bom mìn để đánh giá chính xác nhu cầu của nạn nhân để kết nối với các cá nhân tổ chức quốc tế hỗ trợ kịp thời. Năm 2019, chúng tôi sẽ mở rộng địa bàn ứng dụng phần mềm và đang nghiên cứu ứng dụng phần mềm trên điện thoại thông minh, đảm bảo cho nạn nhân được tiếp cận nhanh nhất, đơn giản nhất hiệu quả nhất những chính sách và chương trình trợ giúp của các tỉnh, thành phố".
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh phát nổ khiến hơn 40 nghìn người thiệt mạng và 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Những nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn trong thời gian qua đang phần nào giảm nhẹ những thiệt hại do bom mìn gây ra.