Nhiều quốc gia tăng cường “giãn cách xã hội” với Trung Quốc

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung thời gian qua đang có dấu hiệu nóng trở lại liên quan đến tranh cãi giữa hai bên liên quan đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2 

Tình hình dịch bệnh ngày càng khiến các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, tìm cách 'giãn cách xã hội' với Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại về sinh mạng, tổn thất về kinh tế mà còn là cái cớ thổi bùng thêm những mâu thuẫn vốn có giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh với Trung Quốc, khiến cho bức tranh kinh tế và chính trị toàn cầu có nhiều thay đổi.

Cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung thời gian qua đang có dấu hiệu nóng trở lại liên quan đến tranh cãi giữa hai bên liên quan đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. Xung đột còn lan rộng từ thương mại, an ninh sang nhiều lĩnh vực khác như tài chính, công nghệ. Và không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang áp dụng chính sách “thận trọng” hơn trong quan hệ với Bắc Kinh.

Nguy cơ xung đột Mỹ-Trung lan rộng

Bộ Giao thông Mỹ hôm 23/5 cáo buộc  Trung Quốc  cản trở nhu cầu nối lại đường bay của hai hãng hàng không Mỹ, đồng thời yêu cầu bốn hãng hàng không Trung Quốc phải nộp lịch trình và các thông tin liên quan. Ngày 22/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đưa 9 thực thể mới của Trung Quốc vào "danh sách đen" kinh tế. Các đối tượng trong danh sách đen kinh tế phải đối mặt với một số hạn chế đối với các mặt hàng của Mỹ theo Quy định quản lý xuất khẩu, bao gồm các yêu cầu giấy phép bổ sung, đối với các cá nhân hoặc tổ chức được cho là có liên quan đến "các hoạt động đi ngược lại với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại" của Mỹ. Đây là 2 diễn biến mới nhất trong số rất nhiều khía cạnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua.

Nhiều quốc gia tăng cường “giãn cách xã hội” với Trung Quốc - ảnh 1 Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được đưa tới điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Trước đó, đầu tháng 5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đang cân nhắc khôi phục các chính sách thuế để trả đũa Trung Quốc cho đại dịch hiện nay và doạ sẽ quay lưng với thoả thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1.

Căng thẳng còn lan ra cả lĩnh vực tài chính và công nghệ. Hôm 23/5, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã rớt 5,6%, đánh dấu mốc thấp nhất trong 1 ngày giao dịch của chứng khoán Hong Kong trong gần 5 năm qua. Nguyên nhân xuất phát từ việc các nhà đầu tư phản ứng sau khi Bắc Kinh công bố dự thảo quyết định luật an ninh quốc gia mới dành cho đặc khu này. Trong động thái mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có thể ngăn doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ hoặc huy động vốn từ nhà đầu tư Mỹ, trừ khi những công ty này tuân thủ các quy định và chuẩn mực kiểm toán của Mỹ.

Ở "đấu trường" công nghệ, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung hiện đang xoay quanh mạng không dây 5G với Tập đoàn công nghệ Huawei rơi vào tâm điểm. Phía Mỹ đã liên tục áp đặt nhiều giới hạn với hãng công nghệ này vì lý do an ninh quốc gia. Hôm 15/5, Bộ Thương mại Mỹ công bố tất cả các nhà sản xuất chip nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ sẽ phải đăng ký giấy phép trước khi bán hàng cho Huawei.

Covid-19 thúc đẩy nhiều quốc gia “suy xét” quan hệ với Trung Quốc

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng cũng thúc đẩy các đồng minh của Mỹ suy xét về mối quan hệ với Trung Quốc. Nếu so với chiến tranh thương mại, dịch COVID-19 dường như là chất xúc tác để các đồng minh của Mỹ thể hiện quan điểm rõ ràng, quyết đoán hơn. Anh, đồng minh đặc biệt của Mỹ, là một trong số đó. Tháng 4/2020, nhiều nghị sĩ Anh đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Chính phủ Anh đang có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các ngành công nghiệp chiến lược và công nghệ cao của Anh, cụ thể là đưa ra các kế hoạch nhằm giảm sự tham gia của tập đoàn viễn thông Huawei vào xây dựng mạng viễn thông 5G trong 3 năm tới ở Anh. Sự thay đổi về chính sách này là biểu hiện mới nhất về quan hệ lạnh nhạt giữa London và Bắc Kinh. Thậm chí, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 28/5 đã công bố chấm dứt “quan hệ bình thường” với Trung Quốc.

Tương tự, quan hệ Trung Quốc-Australia đang là một điểm nóng đáng chú ý hậu đại dịch. Việc Bắc Kinh tăng thuế lúa mạch Australia lên 80% như một cách đáp trả việc Canberra ủng hộ một cuộc điều tra độc lập, đầy đủ hơn về thủ phạm gây ra đại dịch. Khẩu chiến và trả đũa lẫn nhau vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đại dịch Covid-19 đang khoét sâu những căng thẳng vốn có giữa Mỹ và Trung Quốc và có thể châm ngòi cho 1 cuộc chiến tranh lạnh mới. Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều đối tác quan trọng của Trung Quốc về kinh tế, thương mại và đầu tư. Các chiến dịch cáo buộc qua lại lẫn nhau giữa các nước có thể khiến môi trường quốc tế vốn đã phức tạp với nhiều dịch chuyển do đại dịch Covid-19 gây ra càng thêm xáo trộn và bất ổn.

Feedback