Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ghi nhận những khó khăn trong nửa đầu năm nay, Việt Nam vẫn ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài và luôn được ưu tiên lựa chọn.
Điều này được thể hiện qua việc tăng trưởng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được rót vào Việt Nam cũng như chỉ số về niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài đối với triển vọng kinh tế Việt Nam luôn duy trì ở mức tích cực.
Dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp vốn FDI. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN |
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2023. Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế của Việt Nam đang rất tích cực với việc nhiều tập đoàn, doanh nghiệp thể hiện mong muốn được tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Kỳ vọng thu hút đầu tư vốn FDI cả năm 2024 có thể đạt khoảng 39-40 tỷ USD.
Triển vọng kinh tế tích cực – yếu tố quan trọng thu hút FDI
Thời gian qua, dư luận nước ngoài, các định chế tài chính và các tổ chức quốc tế tiếp tục đưa ra những nhận định tích cực về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam. Cụ thể, Oxford Economics, công ty tư vấn độc lập hàng đầu thế giới, dự báo GDP năm 2024 của Việt Nam tăng 5,6%, trong khi Ngân hàng United Oversea - UOB (Singapore) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6% trong năm 2024 và 6,4% vào năm 2025. ING THINK, trang phân tích kinh tế - tài quốc tế, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 6%, một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và dự kiến sẽ tăng lên 6,5% vào năm 2025.
Trong khi đó, S&P Global Ratings (Mỹ) dự báo, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn khả quan, với tăng trưởng GDP thực tế ở mức 5,8% trong năm 2024 và quay trở lại xu hướng dài hạn là từ 6,5-7% trong 3 đến 4 năm tới.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham). Ảnh: chinhphu.vn |
Theo đánh giá của Tập đoàn Standard Chartered (Anh), Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu tốc độ tăng trưởng 2024 với mức tăng trên 6%. Ông Jose Vinals, Chủ tịch Tập đoàn, cho rằng: “Khi xếp hạng tín dụng của quốc gia tăng lên, Việt Nam có thể thu hút nhiều đầu tư hơn, cả đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp. Đó là tác động tích cực kép đối với nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế rất cởi mở và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể đặt mục tiêu phát triển cao hơn vì đất nước các bạn có tiềm năng và sức hấp dẫn để tăng trưởng nhanh hơn. So với hầu hết các nền kinh tế khác trên thế giới, dự báo tốc độ tăng trưởng 6% trong năm nay của Việt Nam là một thông tin khá tốt, vì con số này cao hơn mức trên 3% mà hầu hết các nền kinh tế khác có thể đạt được”.
Từ nay đến cuối năm, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có thêm những kết quả tích cực. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023, đạt khoảng 5,5% - 6%.
Điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài
Nhờ vào tăng trưởng kinh tế tích cực trong nửa đầu năm 2024, đầu tư FDI vào Việt Nam trong năm nay có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Ông Joo-ok Lee, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đánh giá: “Việt Nam đang khẳng định được uy tín với lãnh đạo các thành viên của Diễn đàn kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp, tập đoàn toàn cầu đang tìm kiếm địa điểm đầu tư ổn định, năng động và cơ hội mở rộng đầu tư”.
Trong báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý I/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), có 54% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nhiều khả năng giới thiệu Việt Nam cho các các nhà đầu tư nước ngoài khác. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đều cho rằng Việt Nam là một thị trường năng động với triển vọng tăng trưởng lớn.
Một đối tác quan trọng khác của Việt Nam là Nhật Bản cũng đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Kết quả khảo sát của JETRO về môi trường kinh doanh công bố trong quý I/2024 cũng cho thấy trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là gần 57%.
Về phía các doanh nghiệp Hàn Quốc, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hàn Quốc mới đây, nhiều tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, như: Samsung, CJ, Posco, LG, Daewoo E&C, GS Engineering & Construction Corp, Celltrion, ngân hàng KDB đều bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), cho biết: “Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh và nhiều lần khẳng định về sự hỗ trợ và giúp đỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Chúng tôi rất phấn khởi khi có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian sắp tới”.
Các chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và là điểm đến đáng đầu tư nhất trong thời gian tới. Việc các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao sức hấp dẫn của Việt Nam là động lực quan trọng để Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn FDI trong nửa cuối năm, qua đó, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế trong năm nay.