Ngoại giao văn hóa quảng bá sức mạnh mềm của Việt Nam

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Năm 2016, ngoại giao văn hóa đã tích cực góp phần tổ chức thành công nhiều sự kiện, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó có ngoại giao văn hóa, hình ảnh một nước Việt Nam yêu hòa bình, có nền văn hóa đậm đà bản sắc và đang hội nhập mạnh mẽ đã được thế giới nhìn nhận rõ nét hơn.

(VOV5) - Năm 2016, ngoại giao văn hóa đã tích cực góp phần tổ chức thành công nhiều sự kiện, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó có ngoại giao văn hóa, hình ảnh một nước Việt Nam yêu hòa bình, có nền văn hóa đậm đà bản sắc và đang hội nhập mạnh mẽ đã được thế giới nhìn nhận rõ nét hơn.

 

Ngoại giao văn hóa quảng bá sức mạnh mềm của Việt Nam - ảnh 1
Ảnh theo:nghiencuuquocte.org



Năm 2016, công tác ngoại giao văn hóa được triển khai mạnh mẽ, là năm mà các giá trị văn hóa của Việt Nam tiếp tục được tôn vinh. Ngoại giao văn hóa cũng hỗ trợ tích cực các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

 

Giá trị văn hóa Việt Nam được tôn vinh 

Cùng với hàng loạt các hồ sơ di sản của Việt Nam như Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, hát xoan, tục tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa vật thể, phi vật thể từ những năm trước, năm 2016, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, tín ngưỡng thờ Mẫu tiếp tục được UNESCO vinh danh, trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO Việt Nam, Tổng thư ký văn phòng UNESCO Việt Nam tại Paris Phạm Sanh Châu, đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Không chỉ có giá trị cao về mặt pháp lý, các di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO tôn vinh còn khẳng định những giá trị hiếm có, mang bản sắc riêng Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng, nhiều tầng lớp: “Việt Nam may mắn có nhiều di sản thiên nhiên và văn hóa do ông cha ta để lại cũng như do tạo hóa ban tặng. Trên một mỏ di sản như vậy, rõ ràng đây là niềm tự hào dân tộc, qua đó chúng ta phải làm thế nào để quảng bá du lịch, để du khách đến Việt Nam nhiều hơn, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và cả nước”.

 

Năm 2016, lần đầu tiên, đại diện của Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Thị Hiền đã vượt qua 2 ứng cử viên khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để trở thành người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Ban Tư vấn Di sản Văn hoá phi vật thể của UNESCO.

 

Có được những thành công này là nhờ Việt Nam có một đường lối đối ngoại rất đúng đắn, đường lối hội nhập trong đó có hội nhập về văn hóa. Việt Nam đã rất thành công trong vấn đề bảo tồn, trùng tu di sản và đồng thời khai thác di sản để phục vụ phát triển bền vững của đất nước. Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta cho rằng: “Việt Nam luôn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của mình, một nền văn hóa rất đáng tự hào. Tôi cho rằng Việt Nam còn quá nhiều giá trị văn hóa cần quảng bá rộng rãi bởi văn hóa Việt Nam đặc sắc, mang bản sắc rất riêng. Giá trị văn hóa Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn đời, bắt nguồn từ những giá trị trong mỗi gia đình, bản sắc văn hóa trong giao tiếp, ứng xử. Bản sắc văn hóa Việt Nam còn được thể hiện qua các di sản văn hóa Vịnh Hạ Long, thánh địa Mỹ Sơn... Văn hóa còn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Những nét bản sắc văn hóa ấy đã góp phần to lớn làm nên sức mạnh Việt Nam”.

 

Thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị 

Năm 2016 cũng là năm mà Việt Nam đẩy mạnh việc giao lưu văn hóa với nhiều nước. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, những ngày văn hóa Việt Nam tại các nước, nhân dân các nước sở tại hiểu hơn về lịch sử của Việt Nam, văn hóa Việt Nam để từ đó mở ra sự hợp tác sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực. Năm 2016, Việt Nam cũng ráo riết chuẩn bị cho các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua Năm APEC 2017. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017 khẳng định: “Là chủ nhà APEC, chúng tôi rất coi trọng để triển khai để làm sao đề cao hình ảnh và văn hóa Việt Nam, sức mạnh mềm của Việt Nam, thể hiện truyền thống nhân văn, giá trị văn hóa của Việt Nam. Trong tình hình khu vực và thế giới đứng trước nhiều thách thức về hòa bình và an ninh thì hơn lúc nào hết một giải pháp để bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực và thế giới là quan hệ hữu nghị giữa người với người. Càng giao lưu, càng gắn kết, hiểu văn hóa, tôn trọng lẫn nhau thì sẽ có điều kiện tăng cường đối thoại và hợp tác, giữ gìn hòa bình”.

 

Trong hoạt động ngoại giao, văn hóa đôi khi đi trước chính trị. Một quốc gia có thể có những giao lưu hoạt động văn hóa khi chưa có quan hệ ngoại giao và văn hóa có thể là cầu nối dẫn đến quan hệ ngoại giao. Khi có quan hệ ngoại giao rồi thì giao lưu văn hóa, giới thiệu bản sắc của mỗi quốc gia sẽ làm cho các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Trong lịch sử nền ngoại giao Việt Nam, ngoại giao văn hóa đã nhiều lần được sử dụng thành công để hóa giải những xung đột và tạo dựng quan hệ hữu nghị lâu bền với các nước. Vì vậy, xây dựng một chiến lược lâu dài cho ngoại giao văn hóa, tạo thêm nguồn lực cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục là định hướng ưu tiên cho công tác đối ngoại Việt Nam 2017.

Feedback