Nghị quyết “Thuận thiên” – Hướng đến một Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, bền vững.

Nhóm phóng viên VOV/ĐBSCL
Chia sẻ
(VOV5) - Trục nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đã có sự xoay chuyển, từ ưu tiên số 1 là lúa gạo đã chuyển sang ưu tiên thủy sản, trái cây.

Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đã chỉ rõ Đồng bằng sông Cửu Long cần phải sống “thuận thiên” và chọn những mô hình tăng trưởng để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả từng vùng sinh thái. Nghị quyết này đã triển khai trong 3 năm qua và sẽ tiếp tục được Chính phủ và các địa phương, người dân toàn vùng tiếp tục thực hiện mạnh mẽ sau Hội nghị sơ kết hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 13/3/2021 vừa qua.

Nghị quyết “Thuận thiên” – Hướng đến một Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, bền vững. - ảnh 1Lúa - tôm được xem là mô hình thích ứng biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cao của tỉnh Cà Mau. Ảnh: VOV

Hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, thực tế từ Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, trục nông nghiệp đã có sự xoay chuyển, từ ưu tiên số 1 là lúa gạo đã chuyển sang ưu tiên thủy sản, trái cây. Nước mặn cũng trở thành nguồn tài nguyên phục vụ cho sự phát triển. Diện tích chuyển đổi luân canh tôm lúa bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt khoảng 200.000 ha, tăng gần 3 lần so với năm 2000. Từ khi có Nghị quyết 120, Hội đồng điều phối vùng được thành lập. Lần đầu tiên Đồng bằng sông Cửu Long có bản quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó điểm nhấn là “thuận thiên” để phát triển. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác quốc tế đã đầu tư triển khai nhiều dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo, logistics… Những dự án này đã làm thay đổi bộ mặt của vùng. Bức tranh đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều mảng màu sáng.

Nghị quyết “Thuận thiên” – Hướng đến một Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, bền vững. - ảnh 2Mô hình trồng rau của người dân với hệ thống tưới nước tự động giảm nước tưới và công lao động. Ảnh: VOV

Với vai trò kiến tạo, Chính phủ đã dẫn dắt, bao gồm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; tăng đầu tư nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng với vai trò là “đòn bẩy” nhằm thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng và các tiểu vùng, tăng cường kết nối kinh tế-hạ tầng nội vùng và giữa Đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ.

Ở khía cạnh nghiên cứu khoa học tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện phân tích, Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược phát triển lâu dài vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng “thuận thiên”: “Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược lâu dài cho Đồng bằng sông Cửu Long, cần kèm theo dự phòng tình huống cực đoan, trong đó chú ý đặc biệt đến nhu cầu nước sinh hoạt vùng ven biển. Chìa khóa trung tâm của vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long là chuyển hóa nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết 120 từ thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang tập trung vào chất lượng.”

Nghị quyết “Thuận thiên” – Hướng đến một Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, bền vững. - ảnh 3Chủ động nước ngọt để phục vụ tưới tiêu ở vùng ĐBSCL. Ảnh: VOV

Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương trong vùng đã đề cập và có nhiều đề xuất về an ninh nguồn nước. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, an ninh nguồn nước  đang đặt ra nhiều thách thức cho phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng: “Hiện nay, trong quá trình biến đổi khí hậu vậy thì cái chuyện thiếu nguồn nước ngọt đối với ĐBSCL từ đây sắp tới đây sẽ là thách thức rất là lớn đối với ĐBSCL. Cho nên tôi cũng đề nghị quy hoạch những hồ chứa nước ngọt lớn ở ĐBSCL này mà tôi đề nghị đặt ở hai cái nơi một là An Giang hai là ở Đồng Tháp, trữ nước ngọt trong mùa hạn hán, cung ứng tưới tiêu về sản xuất nông nghiệp cho hai tỉnh này và đồng thời chúng ta điều hòa nguồn nước cho các tỉnh ở vùng hạ lưu này.”

Trong dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 11/2020, vấn đề đặt ra để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sô Cửu Long phải dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường, trong đó lấy yếu tố “con người” làm trung tâm; lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến và muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng. Đồng thời, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội, coi biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, điều quan trọng là con người vận dụng, điều chỉnh và kiểm soát để phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ:“Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu, đa chức năng cùng các tuyến giao thông cao tốc, giao thông thủy huyết mạch; hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp; các hành lang kinh tế.”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại các Hội nghị về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long đã từng chỉ đạo: “Đồng bằng sông Cửu Long phải tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, sống chung với mặn, khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế”. Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cam kết kiến tạo cơ chế thuận lợi để toàn vùng tiếp tục triển khai Nghị quyết 120, hướng tới một vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm, coi việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác là triết lý phát triển.

Feedback