Việt Nam là quốc gia ven Biển Đông có chỉ số biển cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu. Với 28/63 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% tổng dân số, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng lớn về tài nguyên biển, hải đảo. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế biển đảo từ những lợi thế và tiềm năng này, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh, giàu từ biển.
Ảnh minh họa. Nguồn: VOV
|
Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam với tỷ lệ khoảng 100km2 đất liền/1km bờ biển, trong khi mức trung bình trên thế giới 600 km2 đất liền/1km bờ biển. Với hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam rộng hơn 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền.
Đa dạng tiềm năng phát triển kinh tế biển
Biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau. Trong đó, dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa, có tầm chiến lược quan trọng. Năm 2022, sản lượng khai thác dầu thô của Việt Nam đạt 10,84 triệu tấn. Trên vùng biển Việt Nam còn phát hiện khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau và khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế. Năm ngoái, tổng sản lượng khai thác hải sản ước đạt trên 9 triệu tấn, trong khi 6 tháng đầu năm nay, con số này ước đạt 4,27 triệu tấn. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hồi, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho biết: "Các tỉnh ven biển thông qua sự phát triển năm 2022 và những năm trước đó, nhìn vào GRDP (chỉ số tổng sản phẩm kinh tế địa phương), tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển đóng vai trò quan trọng. Một số ngành kinh tế biển mới phát triển như năng lượng biển tái tạo, trong đó có năng lượng gió ven biển, cũng đã phát triển".
125 bãi biển lớn nhỏ, nắng ấm quanh năm, không khí trong lành với nhiều cảnh quan đẹp... là điều kiện lý tưởng để Việt Nam xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp. Bên cạnh đó, đảo và vùng ven biển tập trung nhiều di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hóa-lịch sử; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển… Với lợi thế này, du lịch biển Việt Nam hằng năm đóng góp khoảng 70% doanh thu của ngành du lịch cả nước.
Một lợi thế quan trọng khác là vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông, một trong những con đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất trên thế giới, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bờ biển Việt Nam mở ra cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế biển. Dọc bờ biển từ Bắc vào Nam có 10 điểm có thể xây dựng cảng biển nước sâu và nhiều điểm cảng trung bình với tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 733,18 triệu tấn trong năm ngoái. Đến nay, Việt Nam đã ký hiệp định hàng hải thương mại với 26 quốc gia. Việt Nam đã phát triển được 30 cảng biển với 166 bến cảng, 350 cầu cảng với tổng chiều dài khoảng 45.000m; xây dựng 18 khu kinh tế ven biển… Vùng biển rộng lớn với nhiều đảo cũng là không gian trọng yếu để bảo đảm an ninh, quốc phòng để tạo môi trường phát triển kinh tế quốc gia.
Mở ra tầm vóc Việt Nam phát triển từ biển
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu tổng quát và những mục tiêu cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển. Tiến sỹ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, nhấn mạnh: "Để giải quyết vấn đề biển đảo và phát triển thì Trung ương đã ban hành Nghị quyết 36 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đã đưa ra một cách tiếp cận mới dựa trên 3 trụ cột chính. Một là kinh tế xã hội và môi trường. Hai là về quốc phòng và an ninh. Ba là đối ngoại và hợp tác quốc tế. Như vậy, đây là cách tiếp cận tổng thể và bài bản trên tất cả các khía cạnh liên quan".
Nghị quyết số 36-NQ/TW xác định đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Cùng với đó, các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cũng tăng cường kiểm soát khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, đánh giá: "Nghị quyết này có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Ở chỗ là gì, nó làm thay đổi một cách căn bản nhận thức của Đảng, của nhà nước và của cả hệ thống chính trị của chúng ta về sự phát triển bền vững kinh tế biển. Thêm nữa là Nghị quyết 36 này tạo ra bước đột phá trong hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam về sự phát triển bền vững kinh tế biển. Và thứ ba là Nghị quyết 36 tạo ra nền tảng vững chắc để chúng ta triển khai và phát triển kinh tế biển ngày càng bền vững hơn".
Nghị quyết 36 được coi là đòn bẩy quan trọng để hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững, trong đó kinh tế biển đóng vai trò chủ đạo, xây dựng văn hóa biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động ứng phó với nước biển dâng, ngăn ngừa ô nhiễm. Thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong 5 năm qua đã chứng tỏ Nghị quyết này mở ra một tầm vóc mới để Việt Nam phát triển mạnh giàu từ biển