Cây cà phê từ lâu giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đang diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk, nhiều hoạt động như hội thảo, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của cà phê Việt Nam đã được tổ chức. Đây là dịp để các địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp cơ hội trao đổi kinh nghiệm, tìm hướng đi bền vững cho cà phê Việt Nam.
Sản lượng cà phê của Việt Nam đạt trên 1,5 triệu tấn nhân/năm và được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.- Ảnh vneconomy |
Diện tích cà phê Việt Nam hiện đạt trên 664.000 ha, trong đó chủ yếu được trồng tại khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Sản lượng cà phê của Việt Nam đạt trên 1,5 triệu tấn nhân/năm và được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 1,9 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và hơn 10% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 trên thế giới. Mặc dù là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong nhóm hàng nông sản của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch giai đoạn (2013-2017) chỉ ở mức bình quân 6,57%/năm. Nguyên nhân chủ yếu là chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới, ít sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao, xuất khẩu cà phê nhân chiếm tỷ trọng lớn.
Cà phê đặc sản – Hướng đi mới của cà phê Việt Nam
Để nâng cao chất lượng cà phê, Việt Nam đã và đang chú trọng đến phát triển chất lượng, xa hơn nữa là hướng tới phát triển thị trường cà phê đặc sản. Hiện thị phần loại cà phê đặc sản này chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê thế giới. Tuy thị phần thấp nhưng đem lại giá trị gia tăng cao, gấp từ 5 đến 10 lần tùy theo loại cà phê. Tại Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, một hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết: Tại tỉnh Đăk Lăk, trong niên vụ 2017-2018, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã lấy 130 mẫu cà phê tại vùng nguyên liệu để các chuyên gia thử nếm đánh giá chất lượng. Kết quả, có hơn 10% mẫu cà phê có điểm số thử nếm đạt 80 điểm trở lên và có thể sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản.
Đây là hướng đi mới nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Đồng thời, sự xuất hiện của cà phê đặc sản còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cà phê. Ông Trịnh Đức Minh khẳng định: Việc phát triển cà phê đặc sản sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu cho cà phê Việt Nam, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cà phê: "Việt Nam chúng ta khá chậm khi bước vào thị trường cà phê đặc sản. Tuy nhiên chúng ta đi sau thì chúng ta học tập được kinh nghiệm, từ đó làm cà phê đặc sản theo đúng chuẩn mực thị trường. Cà phê đặc sản minh bạch và tạo động lực cho những người sản xuất phát triển cà phê có chất lượng cao bởi vì làm chất lượng cao sẽ được trả giá cao hơn. Từ những đầu tàu sản xuất cà phê đặc sản sẽ nâng chất lượng cà phê của cà phê Việt Nam lên một nấc thang mới."
Phơi khô cà phê chế biến theo cách lên men quả tự nhiên ở Công ty TNHH MTV MINUDO Farm-Care. - Ảnh Bao daklak.vn |
Tiếp tục nâng cao giá trị cà phê Việt Nam
Tại lễ hội cà phê lần thứ 9, tỉnh Đăk Lăk đã quảng bá và giới thiệu những chính sách định hướng cho tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất và tham gia thị trường cà phê đặc sản. Ông Nguyễn Hải Ninh, Trưởng ban tổ chức lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2019, cho biết: Thông qua các hoạt động tại lễ hội, Việt Nam muốn quảng bá, lan tỏa rộng rãi cà phê đặc sản ở thị trường trong nước và dần chinh phục thị trường thế giới.
"Lần này chúng tôi phát triển thị trường cà phê đặc sản. Đây chính là nhu cầu tiêu thụ và xu thế của thế giới. Thứ hai, chúng tôi muốn phát triển cà phê đặc sản vì giá trị gia tăng rất lớn. Nếu chúng ta trồng nhiều cà phê và xuất khẩu nhiều cà phê như thế không chú ý đến thị phần này thì người thiệt thòi nhất vẫn là người nông dân. Do đó chúng tôi muốn lần này quảng bá thị trường cà phê đặc sản để thế giới biết rằng cà phê xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng cũng có cà phê đặc sản. Ông Hải Ninh nói,
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng: Để cà phê Tây Nguyên có thể phát triển mạnh mẽ hơn, vươn ra khỏi quy mô hiện tại, đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển bền vững, toàn diện và lâu dài: "Tìm cách để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam. Quan trọng là kết nối giao thương trực tiếp giữa người sản xuất và những người có nhu cầu mua cà phê đặc sản, những nhà rang xay có nhu cầu mua cà phê đặc sản. Thứ 2 là tạo động lực cho những người sản xuất sản xuất ra những cà phê có chất lượng cao. Thứ 3 là tạo một thị trường, một kênh từ sản xuất cho tới tiêu dùng cà phê đặc sản không nhưng chỉ ở trong nước mà sẽ vươn ra nước ngoài."
Tìm những hướng đi mới để nâng cao giá trị sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu của mặt hàng cà phê đang là mục tiêu của các tỉnh Tây Nguyên đặt ra, trong đó có phát triển mặt hàng cà phê đặc sản. Cùng với những chiến lược phát triển toàn diện và lâu dài của Chính phủ để cà phê tiếp tục là một trong những sản phẩm chủ lực Quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, xã hội đất nước và khu vực Tây Nguyễn, cũng như giúp người nông dân trồng cà phê làm giàu trên mảnh đất này.